Vụ cháy máy bay chở khách ở Nhật Bản rồi sẽ còn âm ỉ trong dư luận nhiều năm sau, không phải bởi “máy bay cháy” mà là “con người”.
Người Nhật đã từ lâu gây ấn tượng đặc biệt với thế giới về phẩm chất đáng trân trọng của họ, nên vụ cháy này cũng chỉ góp phần khẳng định thêm thôi. Một quốc gia, một dân tộc tạo được và duy trì được đặc sản như thế quả là điều hạnh phúc, tự hào.
Tôi để ý, người Nhật, từ bình dân tới nhà lãnh đạo, rất ít khi “nổ” về thành tích của họ. Nổ hoàn toàn trái với phong cách của người Nhật.
Trong vụ cháy nói trên cũng vậy, khi thế giới hết lời khen ngợi sự xử lý sự cố thì người Nhật chỉ dùng những lời lẽ rất khiêm tốn. Theo báo chí Nhật tường thuật, Ban lãnh đạo Hãng hàng không Nhật Bản (JAL) đã “khen ngợi hành khách tuân thủ kỷ luật và hợp tác với phi hành đoàn để tất cả đều được sơ tán an toàn khỏi máy bay, trong đó có 8 trẻ em tuổi mẫu giáo. Đặc biệt là không ai trì hoãn để cố lấy hành lý của mình”.
Họ nói về sự thần kỳ qua chi tiết rất bình thường “không ai trì hoãn để cố lấy hành lý”. Người Nhật là vậy. Không ai cả. Xin ngả mũ cúi đầu trước họ, trong đó có 8 em bé tuổi mẫu giáo kia.
Chạnh buồn, nếu xảy ra cháy chiếc máy bay ở nước… khác, nước mà khi phi cơ chưa đáp xuống đường băng thì điện thoại đã được mở rào rào a lô a lô gọi người nhà ra đón, bánh xe vừa chạm đất thì tất cả nhất loạt đứng lên lấy hành lý cho chắc ăn, rồi máy bay vừa dừng thì người phía sau cố chen lên vượt người phía trước để được… ra trước vài phút, v.v.. thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp tới mức nào.
Nếu xứ này thực sự cần phải chi 350 nghìn tỉ nhằm chấn hưng văn hóa, thì dùng hết số tiền ấy để tạo được “không ai cả” trong cộng đồng, chỉ một phẩm chất này thôi đã, cũng là điều cần thiết và xứng đáng.
Đó chỉ là ước vọng, chứ với con người xứ này, xã hội này, thể chế này, đám lãnh đạo này, dẫu một nghìn năm nữa vẫn không có “không ai cả”. Lúc bình thường đã tranh giành đạp lên nhau mà chết, huống chi trong đám cháy.
Thông buồn