Diễm Thi (RFA)
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định ngày 3 tháng 1 năm 2024 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hai cựu Bộ trưởng và 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á. Tất cả các bị can, bị cáo, bị án liên quan đến Việt Á đều bị triệu tập đến tòa. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày.
Trong hai năm 2022, 2023, ông Nguyễn Phú Trọng – đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng – nhiều lần yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử vụ án mà ông gọi là đại án này.
Vào tháng 3 năm 2021, Công ty Việt Á đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba do có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Huân chương do ông Nguyễn Phú Trọng với vai trò Chủ tịch nước tịch ký tặng, theo đề nghị của UBND TP.HCM.
Tháng 6 năm 2022, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định khác, hủy quyết định tặng Huân chương Lao động hạng ba với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, do vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Dư luận cho rằng, tấm huân chương này là bình phong cho Việt Á lộng hành, nâng khống giá bộ xét nghiệm và chi “hoa hồng” lớn cho lãnh đạo CDC khắp 63 tỉnh thành nên ông Trọng không thể vô can. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA hôm 14 tháng 12:
“ĐCS VN là đảng duy nhất lãnh đạo toàn đất nước, cho nên Tổng bí thư là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các chính sách đối với đất nước. Nếu ĐCS tự hào với những cái gọi là thành tựu của họ đối với đất nước thì, một cách công bằng, họ cũng phải chịu trách nhiệm đối với các sai lầm và tang thương họ đã làm với dân tộc. Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng lớn của quốc gia. ĐCS với tư cách là đảng cầm quyền, chịu trách nhiệm đối với tất cả các chính sách chống dịch.
Với tư cách là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chỉ đạo đường lối, chính sách của ĐCS, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng đối với các chính sách chống dịch. Trong chiến dịch này, việc cho phép triển khai kit test Việt Á với các cơ quan của các bộ liên quan chắc chắn phải được thông qua ở các cấp cao nhất trước khi triển khai, và như vậy ông tổng bí thư là người chịu trách nhiệm trực tiếp.
Còn nếu ông Tổng bí thư cho rằng ông không được tham vấn đầy đủ, không trực tiếp chỉ đạo, thì lỗi của ông là người lãnh đạo đã không chu toàn hết trách nhiệm của mình. Với những sai lầm trong vụ Việt Á làm chết rất nhiều người như vậy, ông tổng bí thư đúng ra phải bị kỷ luật, thay thế, và bị điều tra cho những hoạt động lãnh đạo chính sách của mình.”
Kết luận điều tra cho thấy trong hai năm đại dịch COVID-19, Công ty Việt Á có doanh thu hơn 4.200 tỷ đồng, sản xuất hơn 8,7 triệu bộ xét nghiệm và đã tiêu thụ cho các đơn vị, cơ sở y tế hơn 8,3 triệu bộ với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng. Số tiền “hoa hồng” mà Công ty Việt Á chi cho các đối tác trên toàn quốc là 800 tỷ đồng.
Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng, người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Phú Trọng:
“Vụ án Việt Á không chỉ đơn thuần là một vụ tham nhũng trong đó một số ít quan chức tham nhũng bòn rút ngân sách nhà nước, móc túi doanh nghiệp và người dân mà còn có dấu hiệu thao túng, dàn dựng có hệ thống, bài bản của Nhà nước. Đây rõ ràng là một sự thao túng về chính sách của cả một hệ thống chính trị. Theo những gì chúng ta được biết, vấn đề có thể đã lên đến đỉnh điểm trong hệ thống quyền lực chính trị ở Việt Nam. Vì vậy, nếu có một lãnh đạo cao cấp nào đó tiếp tục khẳng định rằng tay mình không hoặc chưa bị “nhúng chàm” thì điều đó có nghĩa gì không?
Khi cả một hệ thống chính trị vào cuộc xử dụng mọi công cụ của nhà nước, trong đó quan trọng nhất là chính sách thì người đứng đầu ĐCS – lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội – phải chịu “trách nhiệm chính trị” trước quốc dân. Là người đứng đầu lãnh đạo, hoạch định chính sách nhà nước nhưng lại không chịu trách nhiệm là sao?
Theo tôi, người chịu “trách nhiệm chính trị” cuối cùng trong vụ án Việt Á phải là ông TBT Nguyễn Phú Trọng chứ không phải ai khác!”
Cũng theo LS Vũ Đức Khanh, việc ông Phúc hủy quyết định trao huân chương mà ông Trọng ký trước đó là một việc mà ông gọi là “chạy tội”, tìm cách tự vệ khi sự việc bại lộ.
Cuối tháng 9 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam đã ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Việt Á về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các quan chức Chính phủ bị truy tố trong vụ án Công ty Việt Á với tội nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 được xem xét giảm án với lý do thành khẩn khai báo, nộp phạt, có nhiều giấy khen trong quá trình công tác và gia đình có công với cách mạng.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nêu quan điểm của ông trước phiên xử diễn ra vào tháng 1 năm 2024:
“Trong thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay, người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng. Do đó, những gì xảy ra trong nước, cụ thể là vụ Việt Á thì người chịu trách nhiệm chính là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. COVID-19 là một đại dịch, chính ông Trọng là người kiểm soát toàn bộ mặc dù dưới ông có nhiều cấp, cho nên mọi việc xảy ra ông Trọng phải biết. Hà cớ gì mà ông Trọng vô can khi để cho Việt Á tự tung tự tác một thời gian dài?
Tôi chưa nói đến trách nhiệm hình sự, ít ra ông Trọng phải chịu trách nhiệm về buông lỏng quản lý.”
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chiều 16 tháng 8 năm 2023, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho hay, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng.
Cụ thể, nhóm có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á phải bị nghiêm trị; nhóm chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm đoạt số tiền lớn cũng bị nghiêm trị, hết khung, hết khoản; nhóm thứ yếu là nhóm được xác định không có động cơ vụ lợi và không được hưởng lợi, do đó không bị truy tố trách nhiệm hình sự./.