Trong bài viết được Tân Hoa Xã đăng tải hôm thứ Ba (12.12.2023), Tập Cận Bình có nhấn mạnh về việc Trung Quốc đóng góp xây dựng “Tuyến đường sắt nhẹ Hà Nội số 2” – một công trình mà Việt Nam coi là “một đứa con vật vã 12 năm, đội vốn hơn 200% và 9 lần chậm tiến độ”.
Vì sao Tập lại nhắc đến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ngay sau mục đầu tiên nói về đối tác thương mại và “tuân thủ nguyên tắc hài hòa lợi ích” giữa hai nước?
Đây là đoạn văn của Tập, ngụ ý rằng Trung Quốc có công xây dựng tuyến đường sắt: 中國企業承建了河內輕軌2號線,這是越南首條城市輕軌項目,累計載客近2000萬人次,為河內市民出行帶來便利。Tạm dịch: “Một công ty Trung Quốc đảm nhận xây dựng Tuyến đường sắt nhẹ Hà Nội số 2, đây là dự án đường sắt nhẹ đô thị đầu tiên của Việt Nam và đã vận chuyển gần 20 triệu hành khách, mang lại sự thuận tiện cho người dân Hà Nội”.
Trên thực tế, “tuyến đường sắt nhẹ Hà Nội số 2” là một dự án làm lợi cho kinh tế Trung Quốc, nhưng gây ra thiệt hại lớn cho ngân sách của Việt Nam, và chất lượng kém (nếu so với công trình đường sắt đô thị mà Nhật Bản đã thực hiện cho Indonesia cùng một thời điểm).
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là vay vốn ODA của Trung Quốc, mà trong đó Việt Nam phải chịu các điều kiện ràng buộc từ bên tài trợ. Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam đã “không thể tổ chức đấu thầu cạnh tranh mà chỉ có thể đấu thầu hạn chế, thậm chí chỉ định thầu từ khâu thuê tư vấn, thiết kế, tổng thầu”. Chưa hết, trước khi có hiệp định cho vay ODA, Bắc Kinh đã chỉ định “tổng thầu Trung Quốc” về sau sẽ trở thành nhà thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và xây dựng (EPC) cho toàn bộ công trình.
Tóm lại, Việt Nam vay vốn ODA của Trung Quốc, với lãi suất cao hơn các quốc gia chủ nợ khác, hầu hết để trả cho các nhà thầu và tập đoàn sản xuất Trung Quốc. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (MPI) cho thấy lãi suất hàng năm đối với các khoản vay ODA của Trung Quốc (3%) thường cao hơn lãi suất từ Nhật Bản (0,4–1,2%), Hàn Quốc (0–2%) hoặc Ấn Độ (1,75%).
Như vậy, tại sao Trung Quốc lại nhắc đến “tuyến đường sắt” trong chuyến thăm? Có lẽ nào Tập không biết, hoặc người viết diễn văn cho ông ấy cũng không biết?
Không. Thật sự, họ biết rất rõ. Vì thế ở đây mang tính áp đặt rất rõ ràng, cho rằng phải nói theo ý của Tập, bất chấp thực tế ra sao. Đây cũng là cách cai trị xuyên suốt từ thời Mao.
Không có chuyện Tập không biết. Tập coi nói dối là phương pháp cai trị và đoạt quyền kiểm soát, như đã từng tuyên bố Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì yếu tố lịch sử.
Và, cũng không có chuyện Trung Quốc “tuân thủ nguyên tắc hài hòa lợi ích” giữa hai nước (*).
Người Đà Lạt Xưa
(*)Tập viết nguyên văn tiếng Trung là 堅持以利相融, có nghĩa tiếng Việt là hai nước “tuân thủ nguyên tắc hài hòa lợi ích” (mà một tờ báo của nhà nước ta đã dịch ra là “chúng ta kiên trì hài hòa lợi ích”). Họ biết họ nói dối. Tập biết rõ ông ấy nói dối, nhưng vẫn cứ nói dối, vẫn áp đặt một sự gian dối, và cứ xem như là thật.