Đâu phải tự nhiên mà khi tuyên truyền cho chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, ông Hùng Ba – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – lặp đi, lặp lại việc Việt Nam và Trung Quốc “chia sẻ vận mệnh chung”, vừa nhấn mạnh đó là “đặc trưng trong quan hệ hai nước”!
Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa rời Việt Nam và mang theo cam kết của Việt Nam: Sẽ cùng Trung Quốc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” có ý nghĩa chiến lược (1).
“Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” là gì? Vì sao đột nhiên xuất hiện trong “Tuyên bố chung” lần này? Cần lưu ý, trước giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn cam kết cùng Trung Quốc “chia sẻ vận mệnh chung”. Chẳng hạn tháng 11 năm ngoái, trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình cũng công bố một “Tuyên bố chung”, tại phần ba của “Tuyên bố chung” này, ông Trọng thay mặt Việt Nam khẳng định sẽ “chia sẻ vận mệnh chung” với Trung Quốc (2). Rồi tháng 6 năm nay, khi thăm Trung Quốc, ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng Việt Nam) và ông Lý Cường (Thủ tướng Trung Quốc) cùng phát hành “Thông cáo báo chí chung”, ở phần ba của thông cáo này, ông Chính thay mặt Việt Nam tái khẳng định tiếp tục “chia sẻ vận mệnh chung” với Trung Quốc (3).
Đâu phải tự nhiên mà khi tuyên truyền cho chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, ông Hùng Ba – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – vừa lặp đi, lặp lại với các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam việc Việt Nam và Trung Quốc “chia sẻ vận mệnh chung”, vừa nhấn mạnh đó là “đặc trưng trong quan hệ hai nước” (4)!
Tại sao Việt Nam và Trung Quốc chỉ chia sẻ… “tương lai”, không chia sẻ… “vận mệnh” nữa? Đã có những lý giải khác nhau nhưng nhìn một cách tổng quát, đó là thay đổi cần ghi nhận. Nếu so “Tuyên bố chung 2022” với “Tuyên bố chung 2023” thì còn một số khác biệt đáng chú ý khác. “Tuyên bố chung 2022” không có những yếu tố này khi xác lập “định hướng quan hệ”. Đó là: Phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình (Đoạn 4, Phần 1 “Tuyên bố chung 2023”).
Tạm thời xin chưa bình luận tại sao vì những khác biệt vừa kể dẫu đáng ngẫm nghĩ nhưng chính những yếu tố mới, vừa được nêu trong “Tuyên bố chung 2023” lại mâu thuẫn với một số yếu tố khác trong chính tuyên bố này. Chẳng hạn, tại sao đã khẳng định “phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế” mà “phía Việt Nam” lại “cho rằng các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc”? Chẳng lẽ đưa yếu tố đó vào “Tuyên bố chung 2023” là để đổi lấy “phía Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của phía Việt Nam trong việc duy trì ổn định xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy đoàn kết dân tộc”? Trung Quốc đã hoặc sẽ can dự vào những xung đột giữa chính quyền Việt Nam với các cộng đồng thiểu số tại Việt Nam?
Tương tự, tại sao lần này, Việt Nam đột nhiên lớn tiếng minh định: “Công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ ‘Đài Loan độc lập’ dưới mọi hình thức, ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không phát triển bất cứ quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan” (1), bất kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa tới nay, dòng vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam không ngừng gia tăng và càng ngày càng trở thành quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam? Đâu phải tự nhiên mà gần đây, Việt Nam liên tục bày tỏ cả sự hào hứng lẫn hi vọng được hưởng lợi lớn khi dòng vốn đầu tư của Đài Loan đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia trong khối ASEAN (5). Minh định như thế vào lúc này, trong bối cảnh như hiện nay là khôn hay dại?
***
Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình là dịp để Việt Nam ký 36 “thỏa thuận hợp tác” (6). Tám “thỏa thuận” đầu tiên liên quan đến “hợp tác”… tuyên truyền, dịch – xuất bản các tác phẩm kinh điển, phối hợp giữa Ban Nội chính của hai đảng và Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng của hai chính phủ.
28 “thỏa thuận” còn lại được đặt tên là “hợp tác trên các lĩnh vực thực chất” nhưng ngoài “thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ ‘hai hành lang, một vành đai’ với sáng kiến ‘vành đai và con đường’ giữa hai bên” và “xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng đoạn chảy ngang Lào Cai (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc)”, chủ yếu là những “thỏa thuận” nhằm “ghi nhớ” kiểu như… “ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng sạch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine” hay… “triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương giữa Thành ủy Hải Phòng, Đảng CSVN và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc”,…
Cách nay hai tháng (10/2023), khi trả lời tờ Tiền Phong về tương lai quan hệ Việt – Trung, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam từng bảo rằng, một trong những yếu tố mà hai đảng, hai nhà nước sẽ “đẩy mạnh kết nối” là… LÒNG DÂN (7). Trong bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình gửi tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng CSVN – để quảng cáo nhận thức, tình cảm đối với Việt Nam, ông Tập Cận Bình xiển dương “bốn kiên trì” xem đó như định hướng mới cho quan hệ Việt – Trung: Kiên trì tin cậy lẫn nhau, kiên trì hài hòa lợi ích, kiên trì hữu nghị thân thiết, kiên trì đối xử chân thành (8). Không rõ LÒNG DÂN có phải là yếu tố tác động đến việc đổi “chia sẻ vận mệnh chung” thành “cộng đồng chia sẻ tương lai” chăng và cũng chưa rõ người Việt có chấp nhận “kiên trì” trong việc “chia sẻ tương lai” của dân tộc, của xứ sở với Trung Quốc không?
Chú thích
(3) https://nhandan.vn/thong-cao-bao-chi-chung-viet-nam-trung-quoc-post760064.html
(5) https://thesaigontimes.vn/don-lan-song-thuong-mai-va-dau-tu-sau-cuoc-chuyen-dich-lon-tu-dai-loan/
(6) https://vnexpress.net/viet-trung-ky-36-van-ban-thoa-thuan-hop-tac-4688057-p2.html
(7) https://tienphong.vn/viet-trung-ket-noi-di-toi-thanh-cong-post1578043.tpo