Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper vừa cắt băng khánh thành trường mầm non Quang Trung ở huyện Hòa An, tỉnh miền núi Cao Bằng, ngày 28 tháng 11. Ngôi trường do Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương tài trợ, nằm trong chương trình của Mỹ xây trường học ở khắp tỉnh thành Việt Nam.
Thông tin được Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đăng tải trên trang Facebook sứ quán và được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA dẫn lại, tuy nhiên lại gần như vắng bóng trên báo chí nhà nước ở Việt Nam. Ngoại trừ vài trang tin địa phương của tỉnh Cao Bằng, không một tờ báo quan trọng nào ở Việt Nam đề cập đến sự kiện này.
Không rõ có gì bất thường ở đây không, khi mà những lần Sứ quán Mỹ cắt băng khánh thành trường học ở những tỉnh thành khác, báo chí trong nước thường rầm rộ đưa tin. Gần đây nhất là thông tin Đoàn Đối tác Thái Bình Dương – Hoa Kỳ xây trường ở Phú Yên vẫn xuất hiện trên các tờ báo lớn trong nước.
Tự kỷ ám thị
Địa điểm xây trường có thể là một lý do khiến báo chí nhà nước trở nên nhạy cảm với thông tin này. Huyện Hòa An cách cửa khẩu Trà Lĩnh với Trung Quốc chỉ vài chục cây số, là nơi chứng kiến những gì tàn bạo nhất của cuộc chiến đẫm máu giữa hai nước cộng sản 44 năm về trước.
Ngày 9 tháng 3 năm 1979, vài ngày sau khi tuyên bố rút lui, quân xâm lược Trung Quốc đã giết hại 43 người bao gồm cả phụ nữ, trẻ em bằng lưỡi lê và vùi xác họ vào một cái giếng. Trại lợn Tổng Chúp, nơi xảy ra vụ thảm sát “vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” theo nghĩa đen, cũng thuộc huyện Hòa An của trường mầm non mới khánh thành.
Khó có gì tương phản hơn hình ảnh ngôi trường mầm non sinh động đầy màu sắc được người Mỹ dựng lên ở vùng đất nơi mà chỉ vài chục năm trước lưỡi lê Bắc Kinh đã đâm xuyên quả tim của trẻ con nước Việt.
Không rõ người Mỹ có dụng ý gì khi lựa chọn địa điểm xây trường không, song sự tương phản này là điều mà có lẽ Hà Nội không hề muốn tô đậm trước Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang xoay sở đi đây giữa các siêu cường.
Ngoại giao biên ải
Vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc là nơi phản ánh sinh động nhất mối quan hệ phức tạp giữa hai nước trong suốt chiều dài lịch sử. Khi là bãi chiến trường máu chảy đầu rơi, lúc lại là nơi giao thương tấp nập mua bán. Khi thì đón tiếp sứ thần nhận sắc phong buổi thuận hòa, lúc lại chứng kiến bao cảnh chia ly từ biệt bởi chiến cuộc.
Truyền thống đó nối dài đến tận ngày nay. Cuối tháng 8 vừa rồi, khi Tổng thống Joe Biden còn chưa lên phi cơ đến Hà Nội nâng cấp quan hệ thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù tuổi cao sức yếu, đã dẫn đoàn quan chức cao cấp đến Hữu Nghị Quan trồng cây lưu niệm cùng Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba trong một động thái xoa dịu những phản ứng có thể có từ Bắc Kinh.
Đại sứ Hà Kim Ngọc, người lo “bếp núc” cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, cũng đã thừa nhận dụng ý này của ông Trọng trong buổi nói chuyện với cán bộ hưu trí cấp cao Hà Nội, không lâu sau khi ông Joe Biden rời Hà Nội.
Những lời có cánh về quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc mà ông Trọng nói với Đại sứ Hùng Ba cách đây ba tháng có thể khác về bối cảnh và câu từ, song chắc không khác mấy về mục tiêu so với những lời ước lệ sáo rỗng mà vua quan các triều đại quân chủ Việt Nam thường nói với sứ thần Trung Quốc ở Ải Nam Quan mỗi lần đón, tiễn trước đây.
Nhìn từ góc độ này, ngôi trường mầm non nhỏ nhắn do người Mỹ xây dựng giữa núi đồi biên ải phía Bắc bỗng trở nên có tính biểu tượng lạ thường. Tên trường lấy theo tên xã Quang Trung, một vị anh hùng dân tộc kháng Tàu lẫy lừng, một cách vô tình hay hữu ý lại càng tô đậm thêm tính biểu tượng này.
Và bởi thế, nghe cũng thật tự nhiên khi Sứ quán Mỹ gọi việc khánh thành trường là một cột mốc quan trọng, dù có thể chẳng tờ báo nào đưa tin./.