Huế, ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm sẽ mở đầu cho một tuần lễ cúng giỗ ngày “Kinh đô thất thủ” nhân sự kiện vua Hàm Nghi chống quân Pháp xâm lược vào năm 1885 nhưng bất thành, khiến cho hàng nghìn binh sĩ, và thường dân vùng kinh đô thiệt mạng.
Đó đã là ngày giỗ “dân lập” đáp ứng nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng chính đáng của người dân từ gần 140 năm qua, bất kể chính quyền hiện tại chưa từng chính thức thừa nhận.
Lịch sử Việt Nam đã có nhiều sự kiện gây thiệt mạng nhiều đồng bào mình như vậy. Gần đây nhất, cơn đại dịch Covid 19 xảy ra vào các năm 2020, 2021 và 2022, là một trong các sự kiện như vậy khiến cho hơn 43.000 nạn nhân thiệt mạng, đa phần trong đó là đồng bào cư trú tại Sài Gòn khi ấy.
43.000 đồng bào thiệt mạng chỉ là con số công bố chính thức từ chính quyền, cho dù không mong muốn, nhưng nhiều người vẫn tin rằng con số nạn nhân đã cao hơn rất nhiều lần…
Đầu năm 2020, cơn đại dịch đến, kéo dài đến khoảng tháng 06/2021 thì bắt đầu gây tổn thất khủng khiếp về tài lực đã đành, nhưng con số mất mát về nhân mạng cứ tăng dần theo cấp số nhân trong thời điểm này là đau xót nhất. Vì tài lực vẫn có thể gầy dựng lại được, nhưng mất nhân mạng là mất vĩnh viễn, chẳng gì có thể bù đắp được.
Hơn ba vạn nạn nhân tử vong là xấp xỉ gần ngần ấy gia đình ly tán, mất người thân. Hàng nghìn đứa trẻ đột nhiên mồ côi cha, mẹ hay cả hai.
Thế nên, ý tưởng tổ chức đêm cầu nguyện, cầu siêu, tưởng niệm… tên gọi tùy theo tín ngưỡng vào ngày 19/11/2021 của các tôn giáo tại Việt Nam vào thời điểm ấy là chính đáng, hợp lẽ, thuận lòng dân. Một mặt, về phương diện tâm linh, giúp hồi hướng những linh hồn vất vưởng được an nghỉ. Mặt khác, giúp xoa dịu một phần nỗi đau xót cho các gia đình có thân nhân bị mất, các cháu nhỏ mồ côi. Đồng thời, cũng là dịp nhắc nhớ về trách nhiệm của tất cả chúng ta, trong đó, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền trong sự việc cùng với những bài học nghiêm túc cần được rút ra.
Đến nay đã là hơn 2 năm kể từ ngày 19/11/2021, lần cầu nguyện, cầu siêu, tưởng niệm đầu tiên và duy nhất thì có vẻ như mọi sự đã dần chìm vào quên lãng. Cho thấy, một lần tưởng niệm như thế là chưa đủ, chưa tương xứng với tổn thất quá lớn của đất nước cũng như sự đau đớn về sinh mạng của đồng bào mình. Mà lẽ ra, nên duy trì ngày này như một ngày quốc lễ tưởng niệm hàng năm để nhắc nhớ đồng bào, chính quyền cần phải làm gì để tránh những hậu quả tai hại không xảy ra trong tương lai nữa.
Tôi thiển nghĩ, hôm nay chúng ta tưởng niệm nạn nhân tử vong vì Covid, thì phải biết thay đổi để ngày sau người khác không phải tưởng niệm chúng ta nữa.
“Chúng ta” không chỉ là cá nhân mà dĩ nhiêm, bao hàm chính quyền trong đó.
Có thể chính quyền không muốn nhớ về sự kiện mà họ đã thể hiện sự yếu kém, vô trách nhiệm và bất lực như thế nào khi không thể bảo đảm sự an toàn cho người dân trong cơn đại dịch. Nhưng chúng ta, thì không có quyền lãng quên. Chúng ta phải nhớ. Không phải chỉ nhớ cho chúng ta mà còn phải nhớ giúp cho hơn 43.000 linh hồn đã thiệt mạng oan uổng. Thế nên, duy trì ngày lễ này hàng năm là cách để bài học quá đắt giá này không bao giờ bị quên lãng./.