RFA
Trao đổi với RFA, cả ông Raymond Powell và ông Nguyễn Thế Phương đều nhấn mạnh chiến thuật của Trung Quốc là kéo dài các cuộc đàm phán COC vô thời hạn cho đến khi họ củng cố quyền kiểm soát hiệu quả và toàn diện đối với toàn bộ Biển Đông.
Ông Powell nhấn mạnh Trung Quốc có thể sẽ ký vào COC, nhưng là một COC đủ yếu hoặc không thể thi hành. Từ đó, họ có thể yêu cầu tất cả các bên “có liên quan” đi đến thỏa thuận để thay thế tất cả các luật quốc tế khác. Bằng cách đó Trung Quốc có thể hóa giải mẫu thuẫn giữa một bên là họ tuyên bố tuân thủ Luật biển Quốc tế với một bên là cách ứng xử của họ hoàn toàn vi phạm bộ luật quốc tế đó.
Trung Quốc đơn phương công bố đường chữ U đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tòa trọng tài PCA năm 2016 đã bác bỏ tính hợp pháp của yêu sách này.
Ông Powel nói với RFA rằng Trung Quốc tham gia đàm phán COC vì muốn được coi là đang cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng mục tiêu của nước này không tương thích với mục tiêu của các nước láng giềng ở Đông Nam Á ven biển. Đây là lý do tại sao các cuộc đàm phán đạt được ít tiến bộ như vậy. Đó cũng là lí do ông tin rằng cuối cùng Trung Quốc và ASEAN không thể thành công trong việc đưa ra một COC có thể thực thi được, nhằm hạn chế một cách hiệu quả sự xâm lược của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của RFA “mục đích tối hậu của Trung Quốc khi tham gia đàm phán COC là gì”, ông Nguyễn Thế Phương trả lời: “Kéo dài nó ra hết sức có thể, làm cho quá trình này đi hết sức chậm.”
Tại sao họ lại làm cho quá trình đàm phán này kéo dài ra, đi chậm đến mức như không thể kết thúc? Nhà nghiên cứu ở Đại học New South Wales, Canbera, giải thích rằng nếu bản COC này có thể hình thành theo đúng ý định của ASEAN thì nó sẽ thành một thiết chế đa phương. Nó sẽ có tính ràng buộc lớn và do đó hạn chế hành động của Trung Quốc. Cho nên Trung Quốc sẽ có hai hướng ứng xử: thứ nhất là cố gắng kéo dài đàm phán, thứ hai là khiến cho kết quả đàm phán có lợi cho Trung Quốc, mà có lợi cho Trung Quốc thì bất lợi cho ASEAN. Ở thời điểm hiện nay thì không có các bên liên quan tham gia đàm phán mà còn có tác động của bối cảnh quốc tế. Bối cảnh quốc tế có thể tác động bất lợi cho Trung Quốc.
Tại hội nghị ASEAN+1 giữa ASEAN với Trung Quốc diễn ra tại Indonesia hôm 13/7/2023, các bên tuyên bố đã hoàn tất vòng đọc lần thứ 2 bản thảo của văn kiện COC. Sau đó, vòng đàm phán COC tiếp theo đã bắt đầu từ hôm 22/8/2023. Trước đó hai ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này sẵn sàng đẩy nhanh quá trình đàm phán COC.
Nếu đàm phán COC cứ kéo dài vô tận?
Trong bài phát biểu tại Hawaii hôm 20/11/2023, Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos, đã nói: “Chúng tôi vẫn đang chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng đáng tiếc thay, tiến bộ rất chậm chạp.” Vậy nếu đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN cứ kéo dài mãi mà không thể kết thúc, điều đó sẽ thúc đẩy các bên đi tiếp những bước đi nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương trao đổi với RFA rằng sự kéo dài gần như vô hạn của cuộc đàm phán này có hàm ý lớn với ASEAN trong đó có Việt Nam. Nó cho thấy một sự thực mà nhiều người đã nói đến: Trung Quốc không muốn tỏ ra là bên tuân thủ các cơ chế đa phương như một tay chơi bình đẳng mà ngược lại, Trung Quốc muốn tham gia vào đó như một kẻ áp đặt luật chơi và quan điểm của Trung Quốc sao cho có lợi cho riêng mình. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ gây hại cho Trung Quốc, bởi các nước nhỏ ở Đông Nam Á không phải là những người thụ động trước lợi ích quốc gia của mình.
Theo ông, hiện nay, trong các nước ASEAN, các bên vẫn đang loay hoay tìm cách giảm xung đột bằng các công cụ thể chế và luật pháp. Họ chưa tìm được cách đưa Trung Quốc vào một cơ chế nào đó để ràng buộc nước lớn này. Nó cho thấy ở thời điểm hiện tại, sự bất đối xứng quyền lực quá lớn giữa Trung Quốc và ASEAN. Cách đó vừa khó vừa không đủ.
Khi đàm phán COC cứ kéo dài như không có điểm kết thúc, các nước ASEAN có quyền lợi liên quan trực tiếp đến Biển Đông sẽ có nhu cầu tự đàm phán COC với nhau. Đây là một phản ứng tự nhiên của các nước nhỏ ở Đông Nam Á khi mà việc ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc quá tốn thời gian mà không hiệu quả.
“Điều này nằm trong xu hướng các nước nhỏ tìm kiếm những sáng kiến mới, chủ động làm điều đó, với sự hỗ trợ của các cường quốc ngoài khu vực. Phippines hiện rất tích cực, chủ động kết nối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ,” nhà nghiên cứu ở Đại học New South Wales, Canbera nhận xét.
Hôm 20/11/2023, trong bài diễn văn tại Hawaii, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết Philippines đã đề nghị Việt Nam và Malaysia cùng đàm phán để thống nhất một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) riêng giữa ba nước./.