Ở những nước mắc bệnh sùng bái cá nhân, mà chủ yếu hơn chục nước theo chủ nghĩa cộng sản, trong phe xã hội chủ nghĩa trước kia, thứ bệnh này thuộc dạng mạn tính (mạn tính chứ không phải mãn tính như rất nhiều người dùng nhầm; mạn có nghĩa ngày càng nặng, bệnh ngày càng nặng, chứ không phải mãn là bệnh bị vĩnh viễn). Nó (sùng bái cá nhân) còn phát tác thành những triệu chứng lâm sàng khác, chẳng hạn sinh ra ngày này ngày khác, lễ nọ lễ kia, treo ảnh dựng tượng…
Có những ngày những lễ, lúc phe xã hội chủ nghĩa tồn tại thì rất rùm beng, sau khi phe tan gần như chết ặt, chả mấy ai ở nước cũ (cố quốc) nhớ đến nữa, như ngày quốc tế phụ nữ, quốc tế lao động, hiến chương nhà giáo, quốc tế thiếu nhi, hòa bình thế giới. Giờ may ra chúng chỉ còn hồn vất vưởng ở đôi nơi chưa dám đoạn tuyệt với cái cũ, trong đó có xứ này.
Những nhà lãnh đạo cộng sản rất thích lập ngôn. Kiểu như Lenin “Học, học nữa, học mãi”, “Không có sách thì không có tri thức”; hay “Súng đẻ ra chính quyền”, hay “Không có gì quý hơn độc lập tự do; hay “Làm chủ tập thể là phát minh của loài người”, v.v.. Họ mở miệng là cả đám xúm vào ghi chép, sau đó đăng báo, in vào sách, thành khẩu hiệu, thỉnh thoảng lại nhắc trên đài, ông A nói thế ni, ông B dạy thế tê, câu này của ông C, câu kia của ông D. Đại loại na ná kiểu anh cu Ủn bên Triều Tiên bây giờ, đi đâu cũng có một đám tiểu đồng lăng xăng mỗi đứa một cuốn sổ một cây bút, ho cũng ghi, hắt hơi cũng chép, chẳng hạn mùa thu năm Quý Mão, tháng 10, ngài hắt hơi 3 hồi liên tiếp. Chả cần xét hay-dở, cứ của thượng quan là ngợi ca cho phải đạo. Thậm chí giờ họ còn ưa in thành sách, dịch ra đủ thứ tiếng, xuất bản cả chục cả trăm nghìn cuốn, tổ chức lễ lạt giới thiệu quảng cáo rùm beng, chỉ có điều chả mấy ai mua, ma nó đọc, chỗ chờ đợi là đáy ngăn kéo hoặc sọt rác trước khi bà ve chai đồng nát đi qua.
Tôi nhớ hồi đi học, từ cấp 1 tới tận đại học, thỉnh thoảng được nghe người ta nhắc tới câu của ông Phạm Văn Đồng. Nó còn chui vào đề thi, bắt bọn trẻ ranh phải giải thích, phân tích, bình luận. Cứ dịp 20.11 – lễ quốc tế hiến chương các nhà giáo, thế nào đài, báo cũng lôi ra. Câu ấy là, giờ tôi vẫn còn nhớ, ông thủ tướng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Bộ máy tuyên truyền nhà nước đương nhiên khen nức nở những “lời vàng”, không chỉ của ông Đồng mà nhiều ông bà lớn khác nữa. Nghe loáng thoáng, cũng có lý. Giới thầy cô giáo là sướng nhất, bởi được bốc lên mây xanh. Cứ nhất là thích cái đã. Say thứ hư danh cả khi dứt cháo (giáo chức), “tháo giày” (thày giáo), đói mặt xanh nanh vàng, vừa dạy học vừa giữ xe, chạy chợ, làm đủ mọi thứ để kiếm đồng tiền đắp đổi qua ngày.
Hồi xưa tôi cũng nghĩ câu ấy của ông Tô hay, nhưng về sau hiểu hơn, “rằng hay thì thật là hay/nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Trong đời sống, trong xã hội, đã là nghề thì nghề nào cũng quý. Những việc chuyên về hướng/mảng nào đó theo sự phân công của xã hội được gọi là nghề. Ví dụ nghề nông, nghề dạy học, nghề rừng, nghề rèn, nghề hoạn lợn, nghề nấu bếp, nghề đóng cối, nghề kế toán… Việc do xã hội phân công, có ích cho cộng đồng, được mọi người tôn trọng thì mới là nghề. Chả ai gọi trộm cắp, lừa đảo, đâm chém, tham nhũng, lừa thầy phản bạn… là nghề cả.
Làm theo xã hội phân công thì nghề nào cũng đáng được tôn trọng, nghề nào cũng cao quý. Không có chuyện cao quý nhất, cao quý nhì, hay nói kiểu lấy phiếu tín nhiệm bây giờ, “cao quý cao, cao quý, cao quý thấp”. Không có người làm nghề móc cống, hút hầm cầu, quét rác, chạy xe ôm, khi gặp chuyện (tắc cống chẳng hạn) thì biết cao quý hay không ngay. Không có “thằng” đánh dậm thì có khối tôm tép để bỏ vào mồm. Bách nhân bách nghệ, trăm người trăm nghề, nghề vừa để nuôi sống bản thân, vừa phục vụ xã hội, nuôi sống người khác. Nghề nào cũng cao quý, chả nghề nào hơn kém nghề nào. Tôi nói thật. Tôi cũng muốn hỏi những ông làm “nghề” tuyên giáo hoặc những ai tâm đắc với câu của ông Đồng: Vậy thì trên đời có nghề nào không cao quý?
Dạy học cũng chỉ là một nghề trong muôn nghề. Ông thủ tướng Đồng, một nhà duy vật, thực chứng, vậy mà lập ngôn câu rất dở, nếu không nói là phản khách quan, vô hình trung đã phân biệt, ngăn cách, tạo ra sự đánh giá méo mó về xã hội, về người lao động. Khen ông ấy nói hay, chẳng qua thiên hạ chưa dứt được bệnh nịnh, tôn sùng cá nhân. Bản thân ông Đồng khi tâng bốc nghề dạy học cũng là một dạng mắc tôn sùng cá nhân.
Không có nghề nào cao quý nhất cả, lại càng không có những nghề cao quý nhất, bởi nghề nào cũng cao quý. Nghề nào cũng đáng được tôn trọng. Chỉ có người cao quý hay không cao quý mà thôi.
Nguyễn Thông