Sách của ông Trọng & cuộc “đánh bóng” cuối đường đua!

- Quảng Cáo -

RFA

Sách của ông tổng bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ đảng cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.

Trong vòng chưa đầy một năm, có ít nhất ba cuốn sách của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được báo chí trong nước viết bài ca ngợi, tung hô.

Thời cơ và nguy cơ

- Quảng Cáo -

Mới nhất hôm 14/11, tờ Quân đội Nhân dân đăng bài ca ngợi cuốn sách mới toanh của ông Nguyễn Phú Trọng có tựa đề “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, truyền thông nhà nước cũng “ra sức” tuyên truyền hai cuốn sách của ông Tổng bí thư, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.…

Ở cuốn sách mới nhất, hơn 500 trang, với nội dung từ 40 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, được tờ Quân đội nhân dân nhận xét là “có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc”.

Nói về tựa đề cuốn sách mới nhất của ông Trọng“Cả nước đồng lòng….”, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ thành phố Hồ Chí Minh, hôm 14/11 cho rằng:

“Đồng lòng là tôi thấy không có rồi đó. Bởi vì muốn đồng lòng, muốn làm một việc gì đó cho xã hội, thì bản thân mình và gia đình mình phải bình an, mạnh khỏe cái đã. Trong khi đó hiện nay, có thể nói thất nghiệp tràn lan, doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, thu hẹp sản xuất… đời sống rất khó khăn, chợ búa siêu thị ế ẩm… thân mình, gia đình mình lo còn không xong thì làm sao mà ‘đồng lòng’ được.”

Thứ hai, cuốn sách của ông Trọng nói ‘tiếp tục tranh thủ mọi thời cơ’… thì với tư cách là một người dân đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng ông không thấy thời cơ, mà toàn thấy nguy cơ. Vị nhà báo này đưa ra dẫn chứng:

“Thực tế hiện nay bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, thiếu thiết bị thuốc men, thiếu máu. Ra ngoài đường thì tôi không biết tại sao từ năm ngoái đến nay tai nạn xe cộ rất nhiều và rất nặng nề. Thứ ba, cuốn sách viết ‘quyết tâm thực hiện nghị quyết của đảng’… thì với tư cách người dân thật sự tôi không quan tâm đến việc thực hiện thắng lợi hay thất bại.”

Nói tóm lại, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề rất dài dòng, hoa mỹ, nhưng hoàn toàn sáo rỗng:

“Bởi vì như vậy tôi vừa trình bày, Đảng Cộng sản Việt Nam không biết người dân chúng tôi đang sống như thế nào? Đang cần những gì? Đang rối ren và bất an ra sao? Tôi nghĩ rằng với tư cách Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng, kể cả Bộ Chính trị và Chính phủ cần phải quan tâm rằng người dân đang sống như thế nào, đang bấp bên như thế nào, đang thoi thóp như thế nào… với hàng triệu người dân đang thất nghiệp. Đó là lời nói với tư cách một người dân, tôi muốn chuyển đến cho cấp cao nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam.”

Chỉ để ca ngợi và tuyên truyền

Cùng góp ý kiến về những cuốn sách của người đứng đầu đảng CSVN, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM, hôm 14/11, cho rằng, việc tuyên truyền sách ông Trọng là đặc điểm của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũ. Ông giải thích câu nói của mình:

“Cũ tức là trước khi hệ thống các nước XHCN tan rã và mới tức là các nước được mệnh danh là XHCN bây giờ. Họ thống nhất cách tuyên truyền từ trước đến nay đều như vậy. Còn người dân thì đánh giá tất cả những hiệu quả lời lẽ đó bằng tác dụng thực tế. Nếu mà thất nghiệp nhiều, đời sống càng ngày càng khó khăn, thì những lời đó người ta chỉ ‘cười mỉm’ thôi, chứ sao mà ‘động lòng’ được? Cho nên nói gì thì nói, chính sách của nhà nước có tác dụng thực tiễn, thì điều đó có hiệu quả hơn bất kỳ lời nói nào. Lời nói có hay, hay đẹp đến mấy, thì tính thực tiễn là người phản biện hùng hồn nhất, hơn bất kỳ một người nào phản biện bị nhà nước ‘chụp mũ’ cho là chống đối. Thực tiễn sẽ kiểm nghiệm các vị.”

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đang ở Đức, trong cùng ngày chia sẻ về vấn đề này cho rằng “Việc tuyên truyền như vậy là không còn phù hợp”:

“Hiện nay truyền thông mạng xã hội chiếm ưu thế hơn báo chí truyền thống. Khi Nhà nước Việt Nam muốn ca ngợi ông Trọng như một vị lãnh tụ số hai, sau ông Hồ Chí Minh, thì tôi cho rằng trong thời buổi này không phù hợp và cũng không tác dụng hiệu quả gì cả. Bởi vì đa phần người dân Việt Nam, đặc biệt những người trẻ tuổi rất là dễ dàng để vào các trang mạng xã hội tìm hiểu thực tại của đất nước, cũng như về cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng.”

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài qua đó khẳng định, những cuốn sách tuyên truyền của ông Trọng chỉ tốn kém tiền thuế của người dân trong việc in sách rồi quảng bá sách trên các phương tiện truyền thông, cũng như khi “triển khai” (phát hành sách-PV) về các địa phương để giáo dục.

Hôm tháng 5/2023, khi góp ý về hai cuốn sách của ông Tổng bí thư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ –từ Na Uy từng cho rằng việc giới thiệu hai cuốn sách của ông tổng bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ đảng cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.

- Quảng Cáo -