Cứ như những gì truyền thông Việt Nam đã tường thuật thì rõ ràng hệ thống công quyền Việt Nam đang hết sức sốt ruột trong chuyện kiếm tiền.
Hôm 15/11/2023, tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam đã “yêu cầu chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo đổi mới tư duy quản lý và phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch theo phương châm nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.
“Kinh tế đêm” là cách Việt Nam gọi hoạt động kinh doanh ăn uống, giải trí từ sáu giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để kiếm tiền, phát triển kinh tế. Trước đây, “kinh tế đêm” chỉ được phép thực hiện theo kiểu thí điểm ở vài nơi nhưng giờ, chính phủ Việt Nam mong muốn 12 tỉnh, thành phố trong cả nước “phấn đấu để đến năm 2025 có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” (1).
Hôm nay (16/11/2023), tại hội nghị “Biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ tư, giai đoạn 2018 – 2023”, ông Chính vừa cam kết sẽ “phấn đấu để người cao tuổi có cuộc sống ngày càng tốt hơn, có điều kiện thuận lợi nhất để làm giàu cho gia đình và xã hội”, vừa đề nghị “các cụ, các bác, các anh, các chị làm kinh tế giỏi hơn, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho các thế hệ con cháu, đem trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết, bản lĩnh của mình đóng góp ngày càng nhiều cho quê hương, đất nước”.
Theo truyền thông Việt Nam, lần này có 273 người cao tuổi cư trú tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được tôn vinh “Tuổi cao – Gương sáng”. Tuy nhiên không thấy truyền thông Việt Nam giới thiệu bất kỳ ai trong số 273 người được chọn làm “đại diện cho hơn bảy triệu người cao tuổi đang sản xuất, kinh doanh, trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho phát triển đất nước”(2), nên không biết chính xác họ bao nhiêu tuổi và đang sản xuất, kinh doanh những gì.
Không rõ cách tính “bảy triệu người cao tuổi đang sản xuất, kinh doanh, trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho phát triển đất nước” của Hội Người Cao tuổi có theo phương thức Hội Liên hiệp Phụ nữ xác lập tư cách “doanh nhân” chăng? Nếu giống, nếu “mỗi người nghèo là một doanh nhân” (3), trong “bảy triệu người cao tuổi đang sản xuất, kinh doanh, trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho phát triển đất nước” ấy có bao nhiêu cụ lượm phế liệu, bán vé số?
***
Cứ như những gì truyền thông Việt Nam đã tường thuật thì rõ ràng hệ thống công quyền Việt Nam đang hết sức sốt ruột trong chuyện kiếm tiền. Không phải tự nhiên mà chính phủ Việt Nam dùng Trung Quốc, Thái Lan làm ví dụ để thúc đẩy phát triển “kinh tế đêm” dù những ví dụ ấy không… đúng đắn lắm: 36.000 tỉ nhân dân tệ mà Trung Quốc kiếm được, hay năm tỉ Mỹ kim mà Thái Lan kiếm được từ “kinh tế đêm” đều là những khoản thu được trước khi COVID-19 bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
Khi công khai bày tỏ sự không hài lòng về sản phẩm du lịch tại Việt Nam còn nghèo nàn, chỉ có phố đi bộ, ăn uống nên thiếu sức hấp dẫn, không có khả năng cầm chân du khách và kích thích họ chi tiêu, cả ông Thủ tướng lẫn ông Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam muốn gắn “kinh tế” với “giải trí” thông qua ví dụ… Bộ trưởng Du lịch Thể thao Thái Lan vừa đề nghị cho các hộp đêm tại Bangkok, Pattayan, Phuket, Phang Nga và Krabi mở cửa đến bốn giờ sáng… Khuyến khích gắn “kinh tế” với “giải trí”, thúc đẩy gia tăng kiếm tiền qua hoạt động về đêm, chọn Trung Quốc, Thái Lan như mô hình tham khảo thì sẽ cho phép những loại hoạt động nào mà cần “đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá”?
Những dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam đang sốt ruột kiếm tiền dường như phát xuất từ việc tiếp tục không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo… kế hoạch. Chính phủ Việt Nam mới chính thức thừa nhận tăng trưởng GDP năm nay sẽ chỉ trên 5% chứ không phải là 6,5% như đã cam kết và dù không ít đại biểu quốc hội ngần ngại vì thực trạng kinh tế èo uột nhưng tuần trước Quốc hội Việt Nam vẫn nhất trí cao là chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm tới phải từ 6% đến 6,5% (4).
Suy thoái, lạm phát vốn là vấn nạn kinh tế của toàn cầu nhưng không như nhiều quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp nào thật sự hữu ích để hỗ trợ doanh giới, ổn định dân sinh, tạo ra sự hồi phục thật sự sau những biến động do đại dịch COVID 19. Bên cạnh những tuyên bố, cam kết hết sức chung chung, nỗ lực rõ ràng nhất, đáng kể nhất của những viên chức hữu trách là… đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP!
***
Cách nay năm năm, khi trò chuyện với tờ Tia Sáng về tăng trưởng GDP, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế – lưu ý: GDP là một loại thước cần dùng để đo mức độ tăng trưởng, đặt ra mức độ tăng trưởng GDP là cần thiết nhưng tăng trưởng GDP phải đi cùng với chất lượng và hiệu quả, cải thiện chất lượng tăng trưởng chứ không phải tăng trưởng GDP bằng mọi giá và không thể biến tăng trưởng GDP thành một thứ thành tích cho nhiệm kỳ.
Bà Lan giải thích, sở dĩ các chuyên gia kinh tế, đặc biệt chuyên gia kinh tế trong nước liên tục cảnh báo đừng chạy theo tăng trưởng GDP thuần túy vì đã có những chuyện như chuyện từng xảy ra dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng: Khi nhận ra không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm đó thì thúc ép hút thêm một triệu tấn dầu để bán bất kể giá dầu thế giới đang giảm rất mạnh. Tuy bán dầu trong bối cảnh đó sẽ lỗ nặng nhưng bán đi một triệu tấn đầu sẽ đẩy GDP lên. Tương tự, bắt ngành than khai thác thêm than dù đang ứ đọng chín triệu tấn than. Chưa kể đến chuyện xào nấu dữ liệu để đạt yêu cầu (5)!
Giờ thì sao? Bất kể thực trạng càng lúc càng tồi tệ, tương lai của tất cả các giới càng ngày càng u ám, thiên hạ chỉ thấy từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền thúc ép giải ngân đầu tư công. Thúc ép như thế để làm gì? Để đạt được điều mà ông Nguyễn Bích Lâm – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – phân tích: Giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%. Nếu năm nay giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công thì sẽ thúc GDP tăng thêm 1,3% (5).
Ông cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tỏ ra rất hào hứng với “bức tranh giải ngân vốn đầu tư công tám tháng năm 2023” vì “có nhiều điểm sáng” bất kể “nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023”. Ông Ngân vui vẻ giải thích đó là “hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải theo phương châm ‘cả làng cùng vui’ mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”.
Khi rõ ràng còn nhiều “dự án chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, năng lực của một số ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém”, tại sao vẫn buộc “đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”? Sau tăng trưởng GDP hơn 5% của năm nay, vài năm nữa có thêm bao nhiêu đại án ngàn tỉ? Cứ như thế bao giờ kinh tế thực sự đạt được sự ổn định trong dài hạn, duy trì được sự cân bằng trong tăng trưởng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu như khuyến nghị mà nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu cách nay hơn một thập niên (6)?
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/thu-tuong-cac-tinh-phai-tao-dieu-kien-phat-trien-kinh-te-dem-4677376.html
(3) https://thanhnien.vn/moi-nguoi-ngheo-la-mot-doanh-nhan-18523050210465183.htm
(4) https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/
(5) https://tuoitre.vn/dau-tu-cong-thuc-cho-tien-chay-20230912091454078.htm
(6) https://vneconomy.vn/gdp-nam-nay-dung-chay-theo-con-so.htm