Việc bắt bớ những người hoạt động môi trường tình cờ đang phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.
Bộ Công an lúng túng
Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Việt Nam để lại mối quan hệ song phương được nâng cấp lên mức cao nhất và nhiều lời phê phán về nhân quyền, Việt Nam bắt chuyên gia môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.
Thông tin ngay lập tức lan truyền, bao gồm trên cả các hãng thông tấn quốc tế như Reuters Tuy nhiên, phải hơn 2 tuần sau đó, Bộ Công an mới chính thức lên tiếng về vụ bắt giữ bí ẩn này.
Không rõ lý do của sự chậm trễ này có phải là vì Bộ Công an chưa tìm ra tội danh phù hợp hay không, song phần trả lời của Trung tướng Tô Ân Xô cho thấy Bộ này đang lúng túng.
“Đây là việc chiếm đoạt thông tin, thuộc danh mục tài liệu mật”, Trung tướng Xô nói và cho biết thêm là bà Nhiên bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 342 Bộ luật Hình sự, theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, Điều 342 Bộ luật Hình sự lại quy định rất rõ chỉ áp dụng cho những tài liệu “không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác”, bởi lẽ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được chế tài theo Điều 337.
Thật khó hiểu khi Trung tướng Xô, người phát ngôn lão làng của Bộ Công an, lại phạm sơ suất căn bản như thế. Và cũng thật khó giải thích khi đã có hai tuần suy tính, song Bộ Công an lại tỏ rõ sự lúng túng đến thế khi thông tin về vụ bắt giữ bà Nhiên cho báo chí.
An ninh năng lượng: Trung Quốc hay Mỹ?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên được coi là một chuyên gia về môi trường hơn là một nhà hoạt động. Lý lịch này khiến vụ bắt giữ bà có vẻ không liên quan gì đến sáu vụ bắt giữ các nhà hoạt động môi trường đồng thời là lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ trước đó, mà gần đây nhất là Hoàng Thị Minh Hồng.
Tuy nhiên, có một điểm chung giữa bà và những người bị bắt là đều ủng hộ Việt Nam chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn. Điều này có thể vô tình đã đặt họ vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ đối với an ninh năng lượng của Việt Nam, theo nhãn quan của cơ quan an ninh.
Cụ thể, Mỹ và phương Tây muốn hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch nhanh hơn, trong khi Trung Quốc là đối tác cung cấp các nhà máy nhiệt điện than hàng thập kỷ qua ở Việt Nam với một hồ sơ môi trường tai tiếng. Các nhà hoạt động môi trường được cho là đã hợp tác với sứ quán Mỹ tạo ra áp lực dư luận xã hội buộc Việt Nam phải nghiêng về phía Hoa Kỳ khi tìm kiếm đối tác năng lượng của mình.
Bằng chứng là trong một bài viết xuất hiện một năm trước khi làn sóng bắt bớ bắt đầu, các nhà hoạt động kể trên cùng với tổ chức của họ đã bị cáo buộc như vậy. Bài viết đặc biệt này được đăng trên blog Loa Phường, lâu nay được cho là do cơ quan an ninh Việt Nam đứng sau.
An ninh năng lượng có tầm quan trọng hàng đầu cho sự tồn tại và phát triển của mọi nền kinh tế. Do đó, quyết định chọn ai làm đối tác chiến lược trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ liên quan đến những cân nhắc địa chính trị của mỗi quốc gia. Vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã ký với G7 thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với cam kết tài chính lên đến 15.5 tỷ USD.
Mũi tên hai đích
Không rõ Trung Quốc có liên quan gì đến làn sóng bắt bớ những nhà hoạt động môi trường này không, song không khó để thấy họ có lợi trong việc này.
Làn sóng phản đối các vụ bắt bớ đã khiến các đối tác tài trợ của JETP trì hoãn xem xét hỗ trợ các dự án mà Việt Nam đang mong muốn thúc đẩy, giữa lúc tình trạng thiếu điện ngày một trở nên trầm trọng đang ngăn cản tham vọng kinh tế của quốc gia này.
Nếu không nhận được những hỗ trợ này, việc Việt Nam quay trở lại phụ thuộc vào nhiệt điện than, lĩnh vực Trung Quốc chiếm ưu thế, gần như không thể tránh khỏi.
Từ góc nhìn của Bắc Kinh, việc Việt Nam tăng cường bắt bớ các nhà hoạt động môi trường rõ ràng phù hợp với lợi ích của họ. Những vụ bắt bớ này chẳng những làm sứt mẻ mối quan hệ đang trở nên nồng ấm giữa Việt Nam và Mỹ, mà trong địa hạt cụ thể là năng lượng, cũng đang giúp Hà Nội gần lại với Bắc Kinh hơn.
Hay nói cách khác, thay vì phá hoại quan hệ Việt – Mỹ một cách lộ liễu sẽ dễ bị phê phán, những ai muốn làm điều này có thể chọn cách kín đáo hơn là bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và môi trường, vừa được tiếng bảo vệ chế độ vừa là cách cản trở Việt Nam gần lại với Mỹ tốt nhất.
Quả là một mũi tên trúng hai đích.