Mai Lan (VNTB)
Đến gần 40% đơn vị y tế thiếu thuốc, cần ngay giải pháp thay vì vòng vo biện minh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã lý giải về việc thiếu thuốc, thiếu thiết bị, vật tư y tế xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm. Cùng với đó là việc giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng và cả ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa các quốc gia làm tăng cao chi phí đầu vào của ngành sản xuất dược phẩm.
Những thực tế trên dẫn tới việc giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.
“Bước đầu mặc dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một cơ sở, nhưng theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế, trong tháng 10-2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc trong hoạt động khám, chữa bệnh 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ, có những đơn vị trước đây khó khăn như hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh” – trích báo cáo giải trình của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan về thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại phiên họp Quốc hội sáng 1-11-2023.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng về vấn đề thuốc và vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế, vấn đề trước đây và bây giờ cũng vẫn còn xảy ra, đó là việc bệnh nhân phải tự mua thuốc.
“Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta”, bà Phạm Khánh Phong Lan, nói (bà có bằng cấp chuyên môn đại học Dược, từng là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Dương, đặt ra 3 vấn đề. Trong đó, bà đại diện cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đồng thời, cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế, thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước.
“Do đó, nhân dân cần cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này” – bà Xuân nói với lập luận của một người có học vị Thạc sĩ Quản lý hành chính công.
Tuy nhiên trong phần giải trình của Bộ trưởng Đào Hồng Lan chi loay hoay hai nguyên nhân mang tính biện minh mà không nêu cụ thể về những giải pháp căn cơ, bền vững. Theo đó, bà Đào Hồng Lan cho rằng nguyên nhân chính là nguồn lực của bảo hiểm có giới hạn, nên, “Không phải cứ thuốc mới nào được phát minh là đều được nghiễm nhiên đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Những thuốc mới còn đang phát minh đang còn thời hạn bảo hộ thì rõ ràng giá cao giá cũng là yếu tố phải tính để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế”.
Về sự chậm chạp mang tính… ‘toàn diện’ của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bà Đào Hồng Lan đưa ra hướng xử lý rất quen thuộc ‘mang tính truyền thống’: “Bộ Y tế đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc liên quan tới cơ chế mua sắm đấu thầu, thuốc, vật tư y tế”./.