Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội: “Hư chiêu” này phục vụ “thực chiêu” nào?

- Quảng Cáo -

Vũ Hải Lê

Truyền thông nhà nước vừa đồng loạt đưa ra lời giải thích ý nghĩa của đợt lấy/bỏ phiếu tại kỳ họp Quốc hội khóa 15 lần này. Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có lời giải thích liên quan đến “những điểm mới về lấy phiếu tín nhiệm so với ba lần trước”. Điểm mới thứ nhất là những quy định cụ thể và chi tiết hơn về việc những người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Điểm thứ hai liên quan đến những đối tượng nào được hay không được lấy phiếu tín nhiệm. Điểm mới thứ ba liên quan đến hai nội hàm, thế nào là “tín nhiệm thấp” và thế nào là “tín nhiệm cao” (1). Mặc dầu vậy, dư luận trong nước đã công khai trên các trang mạng xã hội, thể hiện sự bức xúc liên quan đến một loạt vấn đề về những lời giải thích chính thống nói trên. Trên Facebook của Lê Huyền Ái Mỹ, từng là Tổng biên tập báo “Phụ Nữ TP.HCM”, có một bình luận viên dí dỏm, viết: “Nghe rang rảng công khai số phiếu “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm thấp” mà bực cho cái sự trong sáng của tiếng Việt. Chưa nói đến tỷ lệ cao tín nhiệm thấp và tỷ lệ thấp phiếu tín nhiệm cao nhịu cả lưỡi” (2).

Một Facebooker nổi tiếng khác – Nguyễn Thông là cựu nhà báo từ tờ “Thanh Niên” đã đưa ra lời bình khá gay gắt: “Cứ tưởng trò bỏ phiếu tín nhiệm nảy nòi từ năm 2013 đã bị dẹp, bị vứt vào sọt rác rồi, ai dè sau hơn chục năm nó được dựng lại, có phần còn hoành tráng hơn…”. Cựu nhà báo này viết tiếp: “Tivi hát ‘cầm lá phiếu trên tay chúng ta đi bầu’ nhưng ai cũng hiểu họ chả cần mình bầu, phiếu mới chả phiếc, bởi chưa bầu đã biết ai trúng, nhất là tứ trụ, thậm chí biết trước cả tháng. Tin đồn, thông tấn xã vỉa hè luôn trúng phóc. Kể từ khi cộng sản cầm quyền luôn diễn ra như vậy. Họ có đủ cả, chỉ thiếu mỗi quyền dân chủ thực sự” (3). Viết thế này mà không bị dẹp tiệm là một điều lạ! Nhất là ở cái xứ sở mà Công an sẵn sàng gép tội rất nặng đối với cả “nữ hoàng nội y” nổi tiếng. Điều này chỉ có thể giải thích, ngay trong Đảng và chính quyền cũng có một bộ phận đã “chán ngắt” cái trò “bới bèo ra bọ” chả để làm gì. Chỉ tổ mất thời gian và gây trò cười cho thiên hạ!

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng trên. Trao đổi với Đài RFA, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, cho biết thêm về vấn đề này: “Nếu chúng ta nhìn vào vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm, thì cũng phải nhìn vào sự tiến triển trong vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hệ thống chính trị. Từ năm 1986 trở về trước thì vai trò của Quốc hội không lớn, nhưng kể từ những năm 90 trở về đây, thì Quốc hội đã trở thành một nhánh quyền lực rất mạnh, cùng với bên Chính phủ và bên Đảng”. Nhưng khi bình luận “nối dài” nhận định này, TS. Giang lại cho rằng, quy định lấy phiếu như trên thể hiện sự thận trọng của ĐCSVN, nhằm tránh dẫn đến đấu đá nội bộ: “Cách này một phần nào đấy để giảm thiểu các rủi ro, thứ nhất là gây mâu thuẫn trong nội bộ, hai là nguy cơ những phe nhóm trong nội bộ lợi dụng chuyện lấy phiếu tín nhiệm này để tạo ra bè phái. Đây là nguy cơ mà ĐCSVN rất lo ngại”. (4).

- Quảng Cáo -

Theo thiên kiến của người viết bài này, điều ngược lại mới là “thực chiêu” của vấn đề. Đây chính là đòn tung hỏa mù để cho các phe phái “show up” ảnh hưởng. Cho dù những ảnh hưởng ấy cũng lại là chỉ “hư chiêu” mà thôi. “Bới bèo ra bọ” ở đây không hề thể hiện cái tinh thần và quyết tâm của ĐCSVN trong việc điều nghiên hoặc tìm hướng để giải quyết vấn đề, mà ngược lại mới đúng. Này nhé: chỉ cần điểm qua một vài kết quả lôi từ “hòm phiếu” ra thì thấy ngay.  Một vài VIP thuộc diện “ăn trên ngồi trốc” như Vương Chủ tịch Quốc hội hay Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có những thành tựu nào nổi bật để nhận 80 – 90 % phiếu “tín nhiệm cao”? Chả mấy khi thấy Vương Chủ tịch tiếp xúc với cử tri, cũng chẳng nghe ông lên tiếng khi các tử tù kêu oan, hoặc Công an ghép “nữ hoàng nội y” vào cái tội chả có trong bộ luật nào cả, cũng không thấy vị Đại diện cao nhất của “Lập pháp” cho ý kiến. Bà “Phó Tổng thống” nổi tiếng nhờ vào mấy bộ áo dài thì đã đành!

Trong khi đó, bên Hành pháp “đầu tắt mặt tối” từ thời COVID-19 cho đến nay, đang cho bộ hạ“chạy đôn chạy đáo” tìm đâu ra 27 tỷ USD để trám vào các lỗ thủng của ngân sách quốc gia, thì nhiều vị lại suýt bị đội sổ tín nhiệm. Tất nhiên, người dân ai chả biết Thủ tướng Phạm Minh Chính bị “cái dớp” từ Công ty AIC. Ngay cả khi cấp dưới là Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho quân “bứng mọi chân gỗ” của ông thời Quảng Ninh mà dân tình thấy ông vẫn tỉnh bơ. Áo vẫn đẫm mồ hôi, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thời chống dịch. Hẳn nhiên có cái sai của bệnh “duy ý chí” hay bệnh gì nữa mà dân chưa biết. Nhưng giờ đây những quan chức đứng đầu các tỉnh thành hay các ngành dọc luôn tâm niệm, có làm có sai, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít. Vậy bộ máy “Hành pháp” mà án binh bất động là quốc gia sẽ lâm nạn. Không thể chống đói hay tạo ra việc làm cho người dân bằng các bộ sách khổng lồ 500 – 600 trang của Tổng bí thư, với những tên sách “tràng giang đại hải’, đọc cả chục lần vẫn chưa nhớ được, nói gì đến hiểu nội dung sách…

Tóm lại, với lần thứ tư này,  Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân thuộc diện phải được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (ba đợt trước diễn ra vào các năm 2013, 2014, 2018). Công việc này, nói như Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Cái kiểu lấy phiếu tín nhiệm của Việt Nam nó lạ lắm, chỉ có Việt Nam mới làm như vậy chứ không ở đâu người ta làm thế cả.” Riêng đối với người dân Việt Nam, vẫn theo ông Quang A, họ không thực sự quan tâm đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Trong lịch sử nhân loại, khó mà tìm thấy cơ quan nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân mà lại đạt được đồng thuận cao, thống nhất gần như tuyệt đối trong việc gật và lắc như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, bất kể chuyện cùng gật và cùng lắc ấy có tạo được sự đồng thuận cao và thống nhất với dân chúng hay không! (5)

_____________

Tham khảo:

  1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-ve-lay-phieu-tin-nhiem-so-voi-3-lan-truoc-119231025090218785.htm
  2. https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/pfbid02Bp7EXWLehN63G49XJ2NxXKyT9Dimcq63Rf1SNTm3ZuaSfw5b7kTw6VXQBcmp2cXtl
  3. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0yUM6oQ1FMjtRT2Yv26ih6HuoqyMGHgbf9sR8Gig7aX9zNf4gRCpFho1K4N54Cj1Fl&id=100024722048900
  4. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/effects-of-vietnam-parliament-referendum-votes-10272023091322.html
  5. https://www.voatiengviet.com/a/ma-tran-tin-nhiem-/7328091.html
- Quảng Cáo -