Theo dự thảo thông tư mà Bộ Giáo dục vừa công bố, từ năm học tới, không những nhà trường (bản chất là giáo viên) sẽ được chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng cho cơ sở giáo dục của mình, mà phụ huynh cũng sẽ được tham gia vào công việc này. Điều ấy có vẻ đang khiến nhiều người băn khoăn.
Trước hết tôi ủng hộ bước đi này của Bộ Giáo dục. Cần nhớ lại, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 25/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành phố thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa.
Vì sao ủng hộ và mấy điểm cần “cảnh giác” thì tôi đã viết trong bài báo dưới đây trên Dân Việt, xin không nói lại nữa. Các bác có thể đọc ở đây (*).
Việc phụ huynh được tham gia chọn sách giáo khoa có hợp lý? Trước hết nó đáp ứng thực tế rằng hàng ngày chính phụ huynh cũng đang quan tâm và lên tiếng về sách giáo khoa. Thứ hai, trong phụ huynh có nhiều người có trình độ và chuyên môn do nghề nghiệp của họ mang lại. Vì thế, quyết định này đáp ứng được nhu cầu của xã hội và thỏa mãn đòi hỏi của một thành phần người trong cuộc.
Ở Mỹ, sách giáo khoa cũng được lựa chọn qua/bởi nhiều đối tượng và thứ lớp: Chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh (và công chúng nói chung), thậm chí có cả học sinh nữa. Sau khi sách được các nhà chuyên môn chọn, chúng sẽ được đưa lên mạng cho phụ huynh đánh giá, phản biện, nêu quan điểm… Các ý kiến này sẽ được tổng hợp để làm cơ cở cân nhắc, quyết định có đưa vào dùng hay không.
Lưu ý, bên cạnh danh mục “sách giáo khoa” thì các nhà trường Mỹ còn tiến hành lựa chọn các học liệu khác nữa để dùng trong giảng dạy. Quy trình cũng gần giống như trên, công chúng có thời gian để đọc và sau đó một cuộc họp với dân sẽ được mở ra để đi đến quyết định đồng ý hay từ chối.
Tóm lại, theo tôi những bước đi này của Bộ Giáo dục là hợp lý, trên đà tiến gần đến cách làm văn minh của nước ngoài. Vấn đề còn lại là đảm bảo làm sao cho hướng đi này không bị méo mó do các yếu tố thuộc “phần cứng” của bộ máy gây nên. Muốn thế, giáo viên và phụ huynh phải vượt qua “nỗi sợ hãi tự do” và ý thức được một cách sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chọn học liệu cho mình và con cái mình học./.