Người ta nói pháp luật tại Việt Nam rất công minh, luôn “xử đúng người, đúng tội”, nhưng nó lạ lắm vì luôn gây sốc dư luận, như trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Trong phiên tòa xử vụ này, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với 22 bị cáo.
Theo VKSND, ở giai đoạn 2 của cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi dài 74km, 22 bị cáo cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế trộn, thi công… Lúc nghiệm thu, họ không đo đạc đầy đủ và có những hạng mục được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban quản lý dự án. Sau đó, công trình vẫn được thanh toán, đưa vào sử dụng nhưng hư hỏng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.
Nói cho có “văn hóa” thì nó là như thế, còn nói theo kiểu bình dân thì bọn chúng (22 bị cáo) toa rập ăn hối lộ, tham nhũng một số tiền lớn như thế, làm hại cho xã hội như thế thì chắc “dựa cột” cũng xứng tội!
Thế nhưng VKSND không muốn triệt đường sống của các bị cáo, nên họ chỉ đề nghị mức án vừa phải tùy theo trách nhiệm của từng bị cáo, để họ có thời gian suy ngẫm về tội của họ. Do đó, đối với tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt:
-Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó tổng giám đốc VEC, mức hình phạt 3-4 năm tù. Trước đó bị cáo Hùng đã nhận 7 năm tù tại phiên tòa xét xử vi phạm ở giai đoạn 1 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (dài 65 km).
-Lê Quang Hào, cựu Phó tổng giám đốc VEC, bị đề nghị mức hình phạt 2-3 năm tù. Trước đó bị cáo Hào cũng đã nhận 6 năm tù tại phiên tòa như bị cáo Hùng.
-Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án, bị đề nghị từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù giam.
-Đỗ Ngọc, cựu Phó giám đốc Ban quản lý dự án, bị đề nghị mức hình phạt từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù giam.
-Các bị can khác bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 7 năm 6 tháng tù giam.
Ngoài ra, trong vụ án có tới 2 cựu Tổng giám đốc VEC bị VKSND đề nghị 2 mức án khác nhau:
-Trần Văn Tám, cựu tổng giám đốc VEC, bị đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tổng mức án bị đề nghị là 5 năm 6 tháng đến 7 năm tù.
-Đặc biệt, bị cáo Mai Tuấn Anh, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC, mức hình phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (!?)
Giải thích về các đề nghị mức an, VKSND cho rằng “hành vi của các bị cáo gây thiệt hại lớn, bức xúc trong nhân dân; một số người thực hiện phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên cần cách ly ra khỏi xã hội một thời gian. VKSND cũng thấy cần cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ và cho một số bị cáo cải tạo ngoài xã hội”.
Lời giải thích này không khiến dư luận ngạc nhiên, vì họ bị bất ngờ trước những kết luận của hệ thống tòa án nhiều đến mức cảm xúc đã bị chai cứng từ lâu. Tuy vậy, trên mạng xã hội, dư luận cũng bày tỏ thái độ dứt khoát không chỉ không đồng tình, mà còn nặng nề hơn đối với đề nghị của VKSND.
Facebooker Nguyễn Xuân Diện (tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử) viết thẳng lên trang nhà của ông:
“Xét xử thế này thì đứa nào chẳng vơ vét.
Chống tham nhũng như gãi ghẻ!
Thôi, đừng chống nữa, giải tán tất cả các toà án cho đỡ tốn kém và khỏi bị dân chửi rủa chế độ!”
Nhiều Facebooker đồng tình với ông ở nhận định này. Thanh Tran viết: “Giống giỡn chơi thiệt ha… Người ta phản biện cho đất nước chút mấy ông xử mút mùa… Vậy ai là phản động và tàn phá đất nước hả mấy cha?”
Facebooker Hoa Van kết luận một câu như xát thêm muối vào người dân “thấp cổ bé miệng”: “Nơi lao tù là của dân đen”!
Nhận định ngắn gọn đủ mô tả hệ thống tư pháp của Việt Nam như thế nào./.