Cách nay 69 năm, ngày 10.10.1954, những người lính Pháp cuối cùng xếp hàng ngay ngắn rời khỏi Hà Nội, theo lối cầu Long Biên do chính họ xây dựng, để về Hải Phòng tập kết 300 ngày chờ rút hết về nước. Nay ở bãi biển Đồ Sơn vẫn còn di tích bến Nghiêng, nơi quân Pháp xuống tàu hồi hương.
Pháp rút, quân ta vào tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của nhân dân. Đoàn xe chở tướng Vương Thừa Vũ – Chủ tịch Ủy ban quân chính (quân quản) Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội đã cùng bộ đội vào nội thành qua 5 cửa ô một cách hòa bình, không một tiếng súng nổ nào. Nhạc sĩ Nguyễn Thành và thi sĩ Tạ Hữu Yên viết “Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”.
Trống vang như ngày hội lớn chứ đâu phải vào để đánh nhau. Ngày 10.10 được lịch sử gọi bằng cái tên chính xác với thực tế, “ngày tiếp quản thủ đô”. Lứa chúng tôi khi học phổ thông (từ lớp 1 tới lớp 10) sách giáo khoa và lời thầy cô, lời cán bộ đều ghi rõ, nói rõ là “ngày tiếp quản thủ đô 10.10”.
Chả hiểu do đâu, và cũng không biết từ khi nào, người ta, vốn quen xuyên tạc lịch sử, kiêu ngạo cộng sản, háo thắng, ngạo nghễ, đã đổi lát cắt lịch sử ấy thành “ngày giải phóng thủ đô”, “ngày thủ đô giải phóng”. Cả Hải Phòng cũng vậy, khi quân Pháp ở đó 300 ngày kể từ khi đình chiến để lần lượt rút về nước, người dân sống chung với những kẻ trước kia là quân xâm lược trong gần 1 năm hòa bình, không hề gây gổ.
Làng tôi là nơi tạm trú kiểu KT3 của gần tiểu đoàn Pháp, họ đóng ở đình làng và lập doanh trại gần đó, họ khoan giếng máy lấy nước dùng, cho cả dân dùng, khi kéo nhau ra bến Nghiêng Đồ Sơn còn bàn giao đầy đủ, không phá bỏ thứ gì. Thày tôi kể, dân làng giao dịch buôn bán hàng tạp hóa với họ, họ dạy trẻ con tiếng Pháp, cho nông dân những hạt giống rau quả su hào, súp lơ, cà chua… từ Pháp gửi sang để bà con mình trồng trọt. Nói chung là chả đánh nhau, chẳng giải phóng giải phiếc gì. Nhưng rồi cũng theo trào lưu mới tự sướng/xuyên tạc lịch sử, người ta cũng gọi ngày 13.5.1955 là “ngày Hải Phòng giải phóng”, “ngày giải phóng Hải Phòng”, mỗi năm đến ngày này cứ um cả lên. Ông anh tôi có lần bảo, có đánh nhau đếch đâu mà giải mí chả phóng.
Giải phóng là gì? Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do GS Hoàng Phê chủ biên, giải phóng là hành động làm cho được tự do, cho thoát khỏi tình trạng bị nước ngoài chiếm đóng; giải thoát con người bị kiềm chế, giam cầm. Giải phóng hoàn toàn khác sự tiếp quản, nhận những thứ được bàn giao. Cũng không thể lý sự rằng trước đó quân ta đã đánh nhau, đã chiến thắng, đã có trận Điện Biên nên Pháp bị thua, ta tiến vào thủ đô thì cũng là giải phóng. Vậy thì nên xóa những sự kiện lịch sử, như Hội nghị Geneve (Geneva), hội nghị Trung Giã ra khỏi biên niên sử dù nó có ý nghĩa lập lại hòa bình, chấm dứt đánh nhau.
Vẫn biết việc tôn trọng lịch sử khách quan và việc thực hiện ý đồ chính trị luôn chỏi nhau, luôn xung khắc, thậm chí lịch sử chịu thua trong những chặng nhất định, nhưng không thể vì thế mà cứ im lặng mãi. Hỡi các nhà viết sử mậu dịch, các vị chắc đều biết tích anh em nhà Thái Sử Bá thời Chiến quốc chép sử thế nào. Nhà viết sử chân chính, chết còn không sợ, vậy các vị sợ cái gì mà không dám lên tiếng, hay là nghề sử chỉ để ấm thân mình. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ảnh: Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội trở về tiếp quản thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của dân chúng, dĩ nhiên không một tiếng súng, và không phải là hành vi giải phóng – Nguồn: Tư liệu internet