Nhà văn có thể trung thực và quả cảm nói về mặt xấu của xã hội theo kêu gọi của Chủ tịch nước?

- Quảng Cáo -

RFA

Một số nhà văn và người hoạt động xã hội nghi ngờ về độ trung thực và tính khả thi trong phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi nhà văn Việt Nam trung thực và quả cảm trong đấu tranh với những xấu xa của xã hội Việt Nam hiện nay.

Theo báo chí Nhà nước, trong Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Hải Phòng ngày 30/9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu nói về những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại…

Ông khẳng định nhân dân và đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” trên.

- Quảng Cáo -

Hiện trạng đất nước và lời nói suông

Một người hoạt động ở Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn:

Phát biểu của Chủ tịch nước là hoàn toàn đúng thực tế xã hội hiện nay. Việc ông ta kêu gọi nhân dân và đất nước cần những tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực cũng hoàn toàn đúng.

Không chỉ các nhà văn mà mọi người trong xã hội đều cần phải lên tiếng về hiện tình đất nước.”

Tuy nhiên, người này cho rằng ông Chủ tịch nước không dám thừa nhận Đảng lãnh đạo toàn diện và phải chịu trách nhiệm về những xấu xa kể trên.

Hiện trạng đất nước tồi tệ mà ông ta nêu ra, thủ phạm chính là Đảng Cộng sản, đã và đang hàng ngày, hàng giờ hủy hoại đất nước.

Nếu có tình yêu thương con người, cất lên tiếng nói trung thực, là phải nêu đích danh Đảng Cộng sản và hệ thống cầm quyền là thủ phạm cần xoá bỏ, thay đổi.”

Đồng ý với vấn nạn mà Chủ tịch nước đưa ra, một nhà văn và cũng là cựu tù nhân chính trị (giấu tên vì lý do an toàn) đưa ra nhận xét:

Tôi cho rằng ông Võ Văn Thưởng biết rất rõ các tệ nạn như ông thừa nhận là do hệ thống chính trị độc đảng. Hệ thống chính trị này tước mất nhân quyền của người dân Việt Nam, trong đó có các nghệ sĩ.

Không có nhân quyền thì bất cứ người dân nào cũng không thể cất lên tiếng nói phản biện mà không gặp sách nhiễu, đàn áp, thậm chí là bị kết tội truyên truyền chống nhà nước. Kinh nghiệm trong quá khứ với các nhà văn thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và nhiều  văn–nghệ sĩ khác nhắc ta điều này.”

Tín hiệu thay đổi?

Nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng (Hoàng Hưng), một thành viên trong Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 02/10:

Tất nhiên là người ta nghi ngờ người ta cho là lời nói suông mỵ dân thì dễ hiểu thôi bởi vì là người ta đối chiếu với thực tế trên này thì những cái cái nhà văn những cái tác phẩm mà dám làm những cái việc chính như ông ấy nói thì thường là hay gặp rất nhiều trắc trở ví dụ như không được xuất bản hay xuất bản rồi thì bị thu hồi…”

Tuy nhiên, ông không cho rằng đây chỉ là lời nói suông của ông Chủ tịch nước, mà phát biểu của ông này đưa ra tín hiệu cần phải suy nghĩ và phân tích thấu đáo hơn, và có thể liên quan đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng trước.

Tôi cho rằng là có một cái sự kiện chính trị rất là lớn nó đang chi phối tưởng phát triển của tới xã hội Việt Nam đó chính là cái việc mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trực tiếp và ký kết với ông Tổng bí thư quyết định đưa quan hệ Việt Mỹ lên tầm cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Chắc chắn việc này sẽ chi phối rất nhiều hoạt động trong xã hội.”

Ông cho rằng đây có thể là một tín hiệu thể hiện rằng là những người lãnh đạo Đảng Cộng sản đang muốn có thăm dò để có một cung cách mới quản lý xã hội. Điều đó chứng tỏ xu thế muốn đối thoại, dân chủ hóa, và mở rộng có ở trong Đảng nhưng gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của lực lượng bảo thủ, và hiện tại lực lượng bảo thủ trong đảng vẫn đang chiếm thế thượng phong.

Theo ông, những vấn đề xã hội mà người đứng đầu Nhà nước đưa ra là những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản hoang dã, đó là việc các quan chức vơ vét khi chế độ đang ở giai đoạn suy tàn, biểu hiện rõ nhất là hai vụ tham nhũng đã và đang được đưa ra xét xử với hàng chục quan chức Chính phủ là bị can. Đó là đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu vừa qua.

Tuy nhiên, nhà thơ Hoàng Hưng nói trong phát biểu của ông Thưởng có mâu thuẫn lớn.

Đó là ông ta nói rằng phải là đấu tranh với những cái mà đi ngược với xu thế của thời đại. Xu thế thời đại là hiện giờ là phát triển xanh- tức là để chống lại tất cả những sự tàn phá môi trường thiên nhiên và công nghiệp hóa một cách bất cẩn và bừa bãi. Nhưng để làm được điều đó thì nó đi đôi với xu thế không thể đảo ngược, đó là xu thế dân chủ hoá trong khi đó thì đường lối chung của nhà nước ta vẫn cứ luôn luôn khẳng định phải là độc quyền của một đảng lãnh đạo và tiến tới mục tiêu gọi là xã hội chủ nghĩa cộng sản chủ nghĩa theo đúng đường lối Marx-Lenin.”

Lời kêu gọi là cái bẫy?

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, tất cả những vụ đại án lớn nhất tham nhũng hay tàn phá thiên nhiên đều được tiến hành bởi những người có chức có quyền và lợi dụng cái vị thế uy thế của mình ở trong hệ thống Đảng trong khi nhiều người vì đấu tranh chống lại những tiêu cực xã hội lại bị lên án là “phản động” hoặc “lật đổ chế độ.”

Ông đặt câu hỏi:

Trung thực và quả cảm đến mức độ nào? Khi mà trung thực và quả cảm đến mức vạch ra hết những cái nền tảng căn cốt của hiện thực xã hội thì động chạm đến hệ thống, động chạm đến độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khi đó sẽ bị quy kết là phản động lật đổ chế độ ngay lập tức.”

Bà Đặng Thị Huệ, một trong nhiều nhà hoạt động chống các trạm thu phí đường bộ vô lý mà người dân vẫn gội là BOT bẩn, bình luận về câu nói này với RFA:

Tiếng nói trung thực, quả cảm là bị coi là phản động và dễ vào tù như chơi. Bản thân tôi bị lừa một lần rồi, tôi bị ngồi tù vì tin vào lời chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi bị gán ghép tội ‘gây rối trật tự công cộng’ khi đấu tranh phản đối các BOT bẩn của các nhóm lợi ích đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn.”

Bà Huệ bị bắt vào tháng 10/2019 cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” vì các hoạt động phản đối việc thu phí bất hợp lý của Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài. Sau đó, bà bị kết án 39 tháng tù, và mới được trả tự do đầu năm 2022.

Theo bà, Chủ tịch nước và các lãnh đạo khác cần có hành động cụ thể nếu muốn kêu gọi người dân:

Dân tộc Việt Nam đã ăn quá nhiều quả lừa, bây giờ không con ai nghe và tin những lời nói hay hứa hẹn của lãnh đạo cộng sản. Nếu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thực sự muốn người dân có niềm tin để có thể cất tiếng nói trung thực và quả cảm, thì với cương vị Chủ tịch nước ông hãy tìm cách hủy bỏ ngay các điều luật 331 và 117.”

Các tòa án ở Việt Nam thường sử dụng hai điều trong Bộ luật Hình sự là Điều 331 – Lợi dụng các quyền tự do dân chủ và Điều 117 – Tuyên truyền chống nhà nước – để kết án tù những người dám lên tiếng chỉ trích Đảng, Chính phủ một cách ôn hòa. Hai điều luật này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế xác định là không rõ ràng và kêu gọi Việt Nam bỏ hai điều này.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 22 người với cáo buộc vi phạm hai điều luật này, theo số liệu thống kê của RFA.

Một nhà văn quân đội kỳ cựu nói trong điều kiện ẩn danh nói với RFA rằng mình nghi ngờ về lời kêu gọi này với bằng chứng về những trường hợp lên tiếng ôn hòa đã bị kết án tù nhiều năm như tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hay trường hợp đảng viên kỳ cựu – nông dân đấu tranh về quyền đất đai – cụ Lê Đình Kình bị giết chết trong một vụ công an đàn áp người dân.

Tôi thấy, đã nhiều năm nay, nhất là từ khi có mạng Internet, có các blog và những tờ báo lề dân, nhất là mấy năm nay có Facebook, thì xã hội không hề thiếu những tiếng nói trung thực và quả cảm. Thế nhưng những tiếng nói đó đã được ai nhân danh đất nước lắng nghe cho đâu?

Đã vậy những người trung thực và quả cảm như anh Trần Huỳnh Duy Thức thì bị kết án tù 17 năm, cụ Lê Đình Kình còn bị giết hại một cách dã man trong khi hàng trăm người khác cũng trung thực và quả cảm thì đang bị giam cầm bởi các mức án nặng nhẹ…”

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga, người mới mãn hạn tù năm năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” nói:

Nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động chính trị và các tầng lớp nhân dân đều có quyền và nghĩa vụ nhìn thấy rõ các tiêu cực và phản ánh nó. Nhưng quyền và nghĩa vụ này phải được bảo vệ khi người dân nêu lên chính kiến của họ.

Việc nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ rất nhiều các nhà hoạt động chính trị, nhà hoạt động môi trường và những người dân có tiếng nói phản biện bị quy vào lợi dụng quyền tự do dân chủ chống phá nhà nước thì làm sao người dân có thể lên tiếng cho các bất cập xã hội.

Khi mà nhà nước không nhìn thấy nguyên nhân gây ra sự suy thoái đất nước, lại không chân thành lắng nghe, không thành tín bảo vệ quyền được nói của nhân dân thì việc ông Chủ tịch nước đã phát biểu chỉ là nói để cho vui, cho có mà thôi.”

Theo thống kê của RFA, ở Việt Nam hiện có ít nhất 65 người đang bị giam giữ vì “Tuyên truyền chống nhà nước” và 40 người vì “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì những bài viết trên mạng xã hội nói lên hiện trạng đất nước.

* Bổ sung tại thời điểm 6 pm ngày 02/10/2023

Nội dung bổ sung: phần bình luận của cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga

- Quảng Cáo -