Chẳng cần điều tra xã hội, chẳng cần thăm dò chuyên sâu. Chỉ bằng trực cảm cũng nhận ra rằng phần lớn người Việt đang hướng về phía Mỹ, đang mong muốn nhà cầm quyền Việt Nam đương đại bắt tay thật chặt với Mỹ trong quan hệ giữa hai nước.
Điều đó đã vừa diễn ra, và ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đầu tiên bắt tay thành công với Mỹ, nâng quan hệ lên như là đồng minh của Mỹ mà vẫn là cộng sản.
Trong quá khứ đã có nhiều người cộng sản Việt Nam muốn hướng đến Mỹ, muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ. Người đầu tiên phải kể đến là ông Hồ Chí Minh. Ngay từ khi tổ chức của ông còn là một nhóm du kích nhỏ bé trong núi rừng, ông đã gởi thư cầu xin sự giúp đỡ của Mỹ để kháng chiến chống Nhật. Người Mỹ đã thiện chí gởi một nhóm nhân viên tình báo OSS đến giúp đỡ huấn luyện và điều tra tìm hiểu. Và khi biết ông Minh là người cộng sản, họ đã chấm dứt ngay sự quan hệ.
Vài người hiện nay cho rằng mong muốn đi theo Mỹ là thành tâm của ông Minh nên lấy làm tiếc Mỹ đã bỏ qua cơ hội … Nhưng thực ra rất khó tin về điều đó khi ông Minh là một người thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản vào trong máu não, chưa nói là cuồng tín Liên Xô, luôn coi tư bản đế quốc Mỹ là kẻ thù của giai cấp cần phải tiêu diệt. Ông Minh biết Mỹ đang rất mạnh và sắp chiến thắng Nhật, chỉ muốn lợi dụng Mỹ để phát triển lực lượng cộng sản tại Việt Nam khi mà Liên Xô ở quá xa và Mao còn trong bóng tối, đang khốn đốn chật vật với Tưởng Giới Thạch. Mỹ đã nhận ra điều đó nên không thiết tha với cầu xin của ông Minh.
Sau chiến thắng miền Nam, rồi bị Trung cộng trở mặt tấn công xâm lược, rồi tiếp theo Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, nhiều người cộng sản Việt Nam đổi mới đã muốn hướng về Mỹ. Đó là các ông Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Võ Văn Kiệt… Thế nhưng, những người đó nhanh chóng bị loại ra khỏi bộ máy, trừ ông Kiệt.
Ông Kiệt là người có tư tưởng đổi mới toàn diện (khi còn đương chức, ông Kiệt đã gởi cho Bộ Chính trị đề án đổi mới chính trị toàn diện) và quyết tâm hướng về phía Mỹ nhưng thận trọng và kín đáo hơn nên vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên ông vẫn bị giám sát chặt chẽ bởi hai ông cực kỳ bảo thủ là Đỗ Mười và Lê Đức Anh, cho đến khi hai ông này quá tuổi phải rời chức vụ, thì ông Kiệt cũng bị buộc phải nghỉ theo dù ông vẫn còn đủ tiêu chuẩn để ở lại.
Từ đó đến nay, chưa có một lãnh đạo cộng sản nào dám công khai muốn hướng quan hệ gần gũi với Mỹ. Ngay cả ông Trọng là người vừa quyết định nâng mối quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất vẫn chưa bao giờ dám lộ ra ý mong muốn quan hệ gần gũi với Mỹ.
Những người cộng sản Việt Nam bị mắc kẹt vào hiệp ước Thành Đô, nhưng đồng thời cũng bị ám ảnh bởi câu nói cảnh báo “chơi với Mỹ thì mất đảng”. Và vì vậy, lẽ ra chuyện đối tác chiến lược toàn diện phải có từ thời ông Kiệt sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận. Thế nhưng phải mất hơn 30 năm, 30 năm với biết bao lãng phí, thì sự việc mang đến vô vàn lợi ích cho đất nước cho dân tộc Việt Nam mới diễn ra.
Từ khi Mỹ bãi bỏ cấm vận và kết nối quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã hưởng rất nhiều lợi ích. Được vào WTO, được nhận viện trợ ODA hàng trăm tỉ đô la, được nhận đầu tư FDI hàng trăm tỉ khác, được xuất khẩu hàng hóa dễ dàng qua các thị trường giàu có, được nhận hàng chục tỉ đô la kiều hối mỗi năm. Và quan trọng nhất là người dân Việt được tiếp cận với ánh sáng văn minh của nhân loại, được dùng máy tính phổ biến, được vào mạng internet, được đi lại khắp thế giới, được thâm nhập vào các đất nước và xã hội tự do dân chủ, được hiểu biết về nhân quyền, hiểu biết về xã hội dân sự …
Khi người Mỹ và thế giới văn minh mở cửa đón nhận Việt Nam là mong muốn người dân Việt hết đói khổ, được hưởng không khí tự do dân chủ, được hưởng đầy đủ các quyền công dân, quyền con người … Do vậy, khi đồng ý cho Việt Nam vào các tổ chức quốc tế để hưởng mọi ưu đãi, họ đã thận trọng buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải ký những cam kết về tự do dân chủ và quyền con người. Như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý kiến, tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do bầu cử, tự do đi lại, tự do tôn giáo, phải có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động …
Nhà cầm quyền Việt Nam đã đồng ý ký kết tất, đưa cả vào Hiến pháp như một lời khẳng định. Thế nhưng sau mấy chục năm, đến nay xã hội Việt, người dân Việt đã có được gi? Đừng nghĩ rằng những thứ đó chưa cần. Con người Việt Nam, xã hội Việt Nam sẽ phát triển méo mó, lệch lạc nếu như không có những thứ đó. Nhìn vào hiện trạng xã hội và con người Việt Nam sẽ thấy ngay điều đó, dù đã trải qua hơn 30 năm giao tiếp với ánh sáng văn minh.
Nhờ vào những ký kết với Mỹ, lợi dụng Mỹ, Trung cộng đã vươn lên vượt bậc về mọi mặt, trừ quyền con người. Họ rắp tâm phản bội những điều đã cam kết về nhân quyền ngay khi đang ký kết, họ thẳng tay vùi trong máu hàng vạn người dân đấu tranh đòi đổi mới ở Thiên An Môn, đàn áp tàn khốc những đòi hỏi tự chủ chính đáng của người dân Hồng Kông vừa qua. Bây giờ họ thành một thế lực đối đầu với Mỹ. Nguy hiểm hơn, họ đang ngấm ngầm cấu kết với Nga để tạo ra một thế lực hắc ám mới đe dọa hòa bình, gây hại cho nhân loại.
Chính vì lẽ đó mà Mỹ đang cần Việt Nam ngả hẳn về phía Mỹ để tạo thế bao vây ngăn chặn Trung cộng, đặc biệt ngăn chặn đà tràn xuống Biển Đông. Mỹ đã ký kết quan hệ ở mức cao nhất với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà bỏ lơ yêu cầu cam kết về nhân quyền.
Ký kết này mang nhiều lợi ích cho Việt Nam như phát triển kinh tế thông qua thương mại thuận lợi hơn với Mỹ, phát triển công nghệ cao, an ninh Biển Đông, nhưng có giúp chất lượng xã hội Việt Nam tăng lên hay không là tùy thuộc vào thành tâm của những người lãnh đạo Việt Nam.
Ký kết này, đặc biệt làm tăng lên uy tín đáng kể cho cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng và cho đảng cộng sản cầm quyền …
Với lợi thế đó của đảng cầm quyền, giới bất đồng chính kiến, giới đấu tranh nhân quyền, giới hoạt động xã hội dân sự… vốn đã đứng trên chông gai sẽ còn đối đầu với chông gai nhiều hơn nữa.
Đành vậy, tự do nào mà được cho không, miễn phí./.