Bài nhận định về quan hệ Việt – Mỹ của ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân – đăng trên The Diplomat – 07.09.2023
Việc Hà Nội sắp nâng cấp quan hệ với Washington là bước đi đúng hướng. Bước tiến này cần được tiếp nối với việc bảo đảm các quyền tự do cơ bản cho người dân Việt Nam.
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội vào ngày 10 tháng 9, quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam có nhiều khả năng sẽ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Theo các nguồn tin nội bộ, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã quyết định nâng mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ lên cấp cao nhất trong hệ thống ngoại giao của Việt Nam. Điều này đáng lẽ nên xảy ra sớm hơn.
Sự do dự của Hà Nội trong việc chính thức hóa mối quan hệ chiến lược với Washington là điều ai cũng biết. Các nhà quan sát từ lâu đã lưu ý rằng ĐCSVN sợ xúc phạm Bắc Kinh và lo ngại rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ có thể thúc đẩy “diễn biến hòa bình” khiến đảng cộng sản mất độc quyền cai trị. Vậy tại sao Hà Nội lại công khai nâng cấp quan hệ của Hoa Kỳ lên ngang hàng với các đối tác lịch sử Trung Quốc và Nga, nhảy qua cấp độ kế tiếp thấp hơn là “đối tác chiến lược”?
Một số nhà phân tích trước đây đã khen ngợi chiến lược “đu dây” của Hà Nội nhằm tạo ra sự cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng thật chất đây là một chiến lược nhằm bảo vệ ĐCSVN – một chiến lược cho phép họ vừa tiếp tục có được sự ủng hộ chính trị từ Bắc Kinh vừa thu hút được các lợi ích kinh tế và an ninh từ mối quan hệ với phương Tây.
Chiến lược này không được sự ủng hộ của đa số người dân Việt Nam, vốn có xu hướng ủng hộ Hoa Kỳ và chống Trung Quốc. Với tư cách là người đứng đầu nhà nước độc đảng, chính quyền cộng sản có thể bỏ qua dư luận nhưng không thể hoàn toàn không quan tâm đến ý chí của người dân. Hơn nữa, giới lãnh đạo đảng đã thừa nhận rằng không thể kéo dài hiện trạng và Việt Nam cần một chính sách đối ngoại cân xứng hơn, bớt nghiêng về Trung Quốc.
Sau Đài Loan, Việt Nam có lẽ là quốc gia đối diện với đe dọa nhiều nhất từ một Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới. Bắc Kinh tiếp tục khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền hoặc hiện đang nắm giữ, và phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngư dân và các mỏ dầu khí ngoài khơi của đất nước, chưa nói đến sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngoài an ninh, việc nâng cấp quan hệ với Washington có thể mang lại nhiều lợi ích và tiến bộ kinh tế hơn nữa. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là điểm đến hàng đầu của các du học sinh Việt Nam. Nhiều thách thức hiện hữu của Việt Nam – từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chìm dần đến xã hội dân sự kém phát triển – đòi hỏi những giải pháp táo bạo và sáng tạo. Mô hình Bắc Kinh khó có thể được xem là tốt nhất, trừ khi mục tiêu là duy trì quyền lực chính trị cho một thiểu số nhỏ. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng trì trệ lâu dài.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến nhiều quốc gia ở cạnh một nước láng giềng hùng mạnh có những lựa chọn rõ ràng về chiến lược an ninh. Nhưng đối với Hà Nội, 18 tháng qua là một cơn lốc đầy lúng túng và nhiều do dự. Mỗi lần Việt Nam có cơ hội duy trì luật pháp quốc tế tại Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao của Việt Nam đều bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết quan trọng lên án cuộc xâm lược của Nga. Giới lãnh đạo Hà Nội không muốn bày tỏ lập trường, mặc dù một thế giới mà các cường quốc lớn không thể đơn phương vẽ lại bản đồ để gây bất lợi cho các nước nhỏ là điều có lợi cho quốc gia Việt Nam. Trong một môi trường quốc tế đang thay đổi, Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong ứng xử.
Và vì vậy, chuyến thăm sắp tới của ông Biden là cơ hội để Việt Nam cập nhật quan hệ quốc tế cho phù hợp với tình hình quốc tế đang thay đổi. Cùng với “mối quan hệ đặc biệt” của Việt Nam với Cuba, Lào và Campuchia, các tiêu chí hiện nay về quan hệ đối tác “toàn diện”, “chiến lược” và “chiến lược toàn diện” đã trở nên hình thức và lỗi thời. Việc có “mối quan hệ chiến lược toàn diện” với Trung Quốc là điều đặc biệt phi lý, khi mà Trung Quốc vốn là mối đe dọa hiện hữu đối với Việt Nam.
Chắc chắn là Hà Nội sẽ tiếp tục xoa dịu Bắc Kinh và nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai đảng “đồng chí, anh em” với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Biden đến Việt Nam, báo chí Việt Nam đã ồn ào công bố chuyến công du tới biên giới Việt-Trung của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng cùng với Đại sứ Trung Quốc Xiong Bo, nhấn mạnh mối quan hệ anh em. Và sau chuyến đi của Tổng Thống Biden, Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu giữa hai tầm nhìn Sáng kiến Vành đai và Con đường và “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, thì nay đã rõ tương lai của Việt Nam phải nằm ở đâu. Đúng như ông Đặng Tiểu Bình đã từng nói: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, lãnh đạo Hà Nội cần định hướng lại chính sách đối ngoại của Việt Nam theo đuổi lợi ích chiến lược và toàn diện của đất nước.
Đối với Hoa Kỳ, quyết định lôi kéo Việt Nam là đúng. Với khối dân năng động và vị trí chiến lược, Việt Nam có tiềm năng trở thành thành viên vững mạnh trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và là quốc gia đóng góp quan trọng cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng hơn. Nhưng Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình hay không, không chỉ phụ thuộc vào cách đặt tên cho các mối quan hệ đối ngoại. Cuối cùng, những yếu tố bảo đảm tốt nhất cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng chính là các xã hội tự do và mở rộng.
Trong một năm mà Phần Lan từ chối “Phần Lan hóa” dưới sự chỉ đạo của Nga, thì Việt Nam chắc chắn có thể vượt ra khỏi những mô hình cũ kỹ và những hạn chế tự áp đặt của mình./.
Ông Hoàng Tứ Duy là Tổng Bí thư Đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị với chủ trương thúc đẩy dân chủ và canh tân Việt Nam.