Trước tòa, trừ số doanh nhân vì lẽ sinh tồn buộc phải tư duy “tiền trao cháo múc”, tất cả các quan chức và luật sư bào chữa cho quan tham hoặc bộc lộ trực tiếp hoặc nuôi trong đầu thứ đạo lý làm ơn và trả ơn.
Sự “làm ơn” của chúng là cứu sinh mạng hàng vạn người bị mắc kẹt trong vùng tâm dịch. Ơn ấy to như núi Thái Sơn. Và “sự trả ơn” với trăm tỉ hay ngàn tỉ, theo chúng, “chẳng thấm vào đâu”. Với chúng, đạo lý này cao hơn mọi quy phạm của pháp luật.
Biết đâu chúng nghĩ, sự trả giá bằng tù tội và sự nguyền rủa của thiên hạ chẳng là gì so với việc làm “cứu nhân độ thế” của chúng? Nếu điều này còn thống trị trong suy nghĩ của giới quan chức chưa bị lộ, thì bất hạnh của dân tộc này còn kéo dài không dứt.
Để không bị chụp mũ, tôi phải rào trước là tôi không phủ nhận cái gọi là “đời đời biết ơn”. Người dân đói khổ đời đời biết ơn lãnh tụ đã giải phóng cho mình thoát khỏi đói nghèo. Học trò đời đời biết ơn thầy dạy dỗ mình thành người. Con cái đời đời biết ơn cha mẹ đã dưỡng dục từ bé cho đến khi trưởng thành. Đó là đạo lý tốt đẹp từ ngàn xưa truyền lại.
Nhưng lợi dụng và nhân danh đạo lý ấy để đòi kẻ hàm ơn phải trả ơn thì điều tốt đẹp ắt rơi vào tệ hại. Lãnh tụ và những người ăn theo lãnh tụ sau khi thực hiện công cuộc gọi là “giải phóng” bắt toàn dân phải khom lưng làm nô lệ để nuôi mình, ắt lãnh tụ và những kẻ ăn theo đó tự phủ nhận công lao của chính mình. Cho nên, gần cả ngàn năm trước, Nguyễn Trãi dứt khoát phủ nhận cái phương châm “Ăn cơm chúa múa tối ngày” mà bắt vua chúa phải làm ngược lại: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Người thầy dạy dỗ học trò thành người mà tham lam, suốt ngày kêu “quà quà”, lợi dụng đạo lý “Sống tết, chết giỗ”, đến chết cũng còn nghiện phong bì, người thầy ắt bị học trò không xem là người mà chỉ xem như con quạ bẩn thỉu. Dân gian phủ nhận loại thầy như vậy mới sinh ra câu chuyện học trò nhặt xương cho thầy, cho thầy liếm mật như… chó. Hiện nay, nhiều con cái ruồng bỏ, đánh chửi bố mẹ, theo tôi, trừ loại hư hỏng do nhiều nguyên nhân xã hội, trong đó có lỗi từ bố mẹ. Bố mẹ tự kiêu mình là “núi Thái Sơn”, là “nước trong nguồn” đòi con cái “đời đời biết ơn” bằng tiền, bằng rượu thịt để ăn chơi, những đứa con trong gia đình ấy không đào núi cha, lấp sông mẹ cho hả giận mới là chuyện lạ. Không ngẫu nhiên mà các cụ dạy “Phụ có từ thì tử mới hiếu”. Cha mẹ yêu thương, vun đắp cho con cái một cách vô tư, tôi dám chắc chẳng con cái nào dám phụ bạc, trừ nguyên nhân khác.
Không chỉ vụ Việt Á hay Chuyến bay giải cứu lộ ra chân tướng của các quan, mà hầu như các quan thời nay đều nhận thức chỉ một chiều đạo lý có lợi cho chúng. Rằng chúng có công làm cách mạng giải phóng dân nghèo, làm người thầy dạy dân, và như cha mẹ nuôi dân, nên họ có quyền bất khả bàn luận là dân phải “đời đời biết ơn” và phải “trả ơn” họ bằng xương máu của mình. Bao nhiêu người hy sinh trong chiến tranh là xương máu. Bao nhiêu người lao động vật vã, chết vùi trong các công trình như Sông Đà, Trị An… là xương máu. Bao nhiêu người nghèo đóng quỹ chống dịch và chết trong các trại cách ly khi xảy ra dịch bệnh là xương máu. Trả ơn bằng xương máu và quy ra tiền tỷ, các quan và các luật sư bào chữa tự cho là “chẳng thấm vào đâu”, thứ đạo lý ấy trở thành đạo lý của bầy lang sói. Không phải đạo làm người!
Điều đáng sợ là khi tuyên truyền, dạy dỗ một chiều đạo lý “đời đời biết ơn”, người ta đã nhồi vào sọ cả một thế hệ thứ tinh thần “hy sinh” vô điều kiện để cho họ thụ hưởng. Không ngẫu nhiên mà khi được hưởng bổng lộc, danh hiệu, các chế độ ưu đãi, trong các lời phát biểu, đám quan chức, thậm chí trí thức, văn nghệ sĩ, chỉ biết nói lời “biết ơn”, “cảm ơn” bề trên như một cái máy. Không ngẫu nhiên mà khi bảo vệ luận văn, luận án, làm lễ tốt nghiệp ra trường, nhận bằng cấp, các học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh đều đồng loạt chỉ nói lời “biết ơn”, “cảm ơn” lãnh đạo. Trong khi số tiền, danh hiệu, bằng cấp họ nhận được đều lấy ra từ máu xương của nhân dân. Dân gian nói “lấy của làng làm ơn cho xã” là theo nghĩa ấy!
Nhớ khi bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi phát biểu lời cảm ơn nhân dân, cảm ơn cha mẹ, cảm ơn vợ tôi trước rồi mới cảm ơn hội đồng, nhiều người trố mắt xem tôi như là “quái nhân” bố láo!
Cứ so cách giáo dục của ta và phương Tây, đủ hiểu ta khác đến tệ hại thế nào. Nghi thức bảo vệ luận án tiến sĩ chẳng hạn. Ta đặt Hội đồng ngồi chễm chệ trên bục cao, nghiên cứu sinh đứng ở dưới thấp báo cáo và trả lời như quan hệ giữa quan tòa và bị cáo. Bảo vệ xong, nghiên cứu sinh tặng hoa, tặng quà và nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và Hội đồng. Làm khoa học mà cứ như bị cáo bị tòa phán xét và phải đội ơn trời bể xin tòa nương tay và giảm án vậy. Trong khi dự buổi bảo vệ luận án của con tôi, tôi hết sức ngạc nhiên khi nó lên bục báo cáo, Hội đồng ngồi ở dưới cùng với cử tọa, trao đổi bình đẳng. Kết thúc buổi bảo vệ, Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng, thay mặt nhà trường và nhà nước Pháp, chúc mừng và cảm ơn nghiên cứu sinh đã đóng góp công sức và trí tuệ cho khoa học nhân loại. Hội đồng còn tặng hoa, tặng quà cho nghiên cứu sinh. Ngày nhận bằng Tiến sĩ, tân Tiến sĩ được mời cả bố mẹ đến dự để nhà trường cảm ơn bố mẹ tiến sĩ. Tiệc liên hoan cuối cùng này cũng do nhà trường tổ chức và chi trả luôn, các hoạt động chụp ảnh, áo mão cũng được nhà trường miễn phí và tặng luôn cho Tiến sĩ làm kỷ niệm!
Trong khi ở cái xứ sở của đạo lý “đời đời biết ơn” này, kẻ làm ơn bòn vét đến từ cái phong bì, ăn uống và chi trả cả tiền thu phí tấm giấy gọi là “bằng”, thu luôn tiền thuê mặc áo quần… Kệch cỡm nhất là người trao bằng mặc áo hoàng bào như ông vua, không thì vương miện, phương trượng như giáo hoàng, đứng trên bục cao trao bằng, còn tân tiến sĩ thì đứng ngang háng vua hay giáo hoàng, cúi đầu nhận bằng như đứa nô lệ nhận ơn trời bể của vua ban hay tội nhân nhận ân đức của giáo hoàng khi làm nghi thức rửa tội.
Viết ra điều này để các nhà giáo dục phản tỉnh. Vạn sự “do giáo dục mà nên”. Đừng chửi bới quan tham như thể mình là người ngoài cuộc!
Chu Mộng Long