Chạy chức chạy quyền: không thể dẹp chỉ bằng quy định của Đảng!

- Quảng Cáo -

RFA

Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Trương Thị Mai, hôm 21 tháng 7 năm 2023 đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 7 năm 2023, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị.

Quy định 114 mới được ban hành cấm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn gồm: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Quy định này được cho là thêm một chốt chặn để kiểm soát quyền lực cán bộ với quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

- Quảng Cáo -

Một số người quan tâm cho rằng, dù có ban hành bao nhiêu quy định đi chăng nữa mà đảng vẫn đảm nhiệm công tác nhân sự thì không dẹp bỏ được nạn chạy chức chạy quyền dẫn đến tham nhũng. Đúng một năm trước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 69-QÐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó quy định các mức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức, khai trừ đảng.

Trung tá quân đội Đinh Đức Long nói với RFA sáng 25 tháng 7 năm 2023 về tình trạng chạy chức chạy quyền:

“Tình trạng này vẫn phổ biến, còn tăng hay giảm thì mình không có số liệu của cả nước nên không biết được. Nhưng đó là chuyện thường ngày ở huyện. Ở đâu cũng thế cả. Vấn đề là con người mà thôi. Văn bản hay nghị định chỉ là trên giấy tờ, còn con người thiếu gì cách để lách.

Ví dụ đơn giản nhất là tôi nhận con anh về chỗ tôi thì anh nhận con tôi về chỗ anh. Đó là một cách hoán vị. Đâu cần về chung một chỗ. Cho nên thực tế rất khó kiểm soát. Chỉ có cách là chọn người sao cho khách quan qua bầu cử dân chủ, qua những tiêu chuẩn được công khai mới là quan trọng. Phải có dư luận xã hội, có truyền thông báo chí giám sát và đánh giá kết quả qua năng lực cụ thể. Chứ hiện nay, nghị quyết đảng nêu rõ, công tác cán bộ là việc của Đảng. Mà việc của Đảng thì chỉ có Đảng quyết định chứ dân có được quyền quyết định đâu. Do đó, cán bộ chỉ sợ Đảng chứ không sợ dân, không sợ cấp dưới đánh giá. Đấy là điểm mấu chốt.”

Theo ông Đinh Đức Long, những quy định ban hành nhằm dẹp luôn nạn “con ông cháu cha” cũng có mặt lợi và mặt hại. Mặt lợi thì ai cũng rõ, còn mặt hại là có thể bỏ sót những người thực sự có tài có thể đóng góp nhiều cho địa phương.

Câu chuyện chống chạy chức- chạy quyền, chống tham nhũng, chống đưa họ hàng thân tộc vào các vị trí lãnh đạo từng được nói đến từ nhiều năm qua nhưng rồi đâu lại vào đấy. Tháng 10 năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị để góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền đối với các cán bộ.

Tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính, trưởng ban tổ chức thừa nhận, qua giám sát kiểm tra các vấn đề sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy quyền lực được sử dụng chưa bài bản và chưa đúng theo quy định, rất nhiều trường hợp lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế để kiểm soát. Ông Chính nhấn mạnh cần phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực chống việc chạy chức, chạy quyền.

Thực tế ra sao sau năm năm? Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA sáng 25 tháng 7 năm 2023:

“Tất nhiên là số liệu chính thức như thế nào thì khó, nhưng nghe nhiều người mới lên chức họ nói thì tình hình vẫn như cũ. Nguyên nhân sâu xa là người lao động nói chung, trong đó có hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, lương chính thức quá thấp dẫn đến chuyện người ta phải chạy bằng cách này hay cách khác tùy cương vị công việc của mỗi người để lên vị trí cao hơn. Rồi từ vị trí đó có thể tham nhũng, nhận hối lộ…

Thế rồi cái cách như thế nó quen đi. Nay ít mai nhiều. Có thể thấy ngay qua vụ chuyến bay giải cứu đang xử, toàn bộ những người có cương vị, có quyền ra các quyết định đều vướng vào tham nhũng.

Mặc dù thời gian gần đây, các cơ quan của Đảng, của Chính phủ ra rất nhiều quy định. Nhưng đấy cũng chỉ là những quy định chứ không có tiêu chí cụ thể. Ví dụ quy định cấm tham nhũng trong quá trình làm công tác cán bộ. Nhưng chỉ nói thế mà không nói rõ cái gì là cái để quy xem người đó có tham nhũng, có nhận hối lộ hay không, bởi câu chuyện này phải có hai người. Ví dụ trong vụ chuyến bay giải. Bên đưa thì nói là tiền, bên nhận thì nói là rượu. Vậy câu chuyện này là câu chuyện cực kỳ khó.”

Theo ông Đặng Hùng Võ, với cách làm hiện nay, chuyện tham nhũng, chạy chức chạy quyền không thể dẹp mà cán bộ sẽ rút kinh nghiệm để “ăn kín đáo” hơn mà thôi.

Lẽ thường, những cán bộ có chức có quyền do chạy chọt mà ra còn sinh ra tệ tham nhũng, hối lộ bởi họ coi số tiền phải bỏ ra mua chức là “vốn đầu tư”. Họ sẽ tìm mọi cách tận thu để hoàn vốn. Dư luận cho rằng, nếu chỉ chăm chăm vào việc xóa bỏ nạn chạy chức chạy quyền hay con ông cháu cha bằng những quy định, mà không quyết tâm thay đổi cơ chế hiện hành, thì mọi việc chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi, hy vọng mà thôi.

- Quảng Cáo -