Theo ngôn ngữ bình dân của dân Việt, “hết thời” nghĩa là con người, xã hội hay chế độ của một đất nước bước vào thời kỳ, lại cũng theo cách nói bình dân gọi là “nhặng xị”. Nhặng xị về văn hóa, nhặng xị về nhận thức, nhặng xị về giáo dục, nhặng xị về hành xử, ngôn ngữ,… ôi chao, bao nhiêu thứ nhặng xị, và ở xứ xã nghĩa, đặc biệt hơn lại có thêm cái gọi là “nhặng xị về tuyên truyền”.
“Tuyên truyền” là lặp đi lặp lại một việc, ngôn ngữ, hành động… mang tính chất liên tục nhằm làm cho đối tượng tiếp nhận mặc nhiên nhận thức đó là việc làm, lời nói, hành động,… mang tính chất tất nhiên và đúng đắn. Sự nguy hại của việc tuyên truyền nằm ở bản chất nếu đối tượng tuyên truyền mong muốn chuyển hướng một tư tưởng, đường lối, hành vi,…xấu thành tốt. Nếu người tiếp nhận không nhận ra được bản chất, sự tuyên truyền với tính chất liên tục sẽ thành công với tỷ lệ cao, ta gọi đó là “lộng giả thành chân”.
“Nhặng xị về tuyên truyền” còn “kinh dị” hơn, đây thuộc về việc tuyên truyền không có ý thức, bất chấp văn hóa, văn minh xã hội, bất chấp khoa học kỹ thuật, nói chung là “bất chấp thủ đoạn”. Ở góc độ này, việc tuyên truyền ở cấp độ thấp kém, rối loạn ngôn ngữ và nhận thức, lôi kéo đối tượng tiếp nhận thông tin một cách lệch lạc.
Ở một xã hội văn minh, có sự nhận thức cao, sự tuyên truyền ít có tác động lớn đến đời sống xã hội quốc gia đó. Thay vì tuyên truyền, xã hội đó đề cao hệ thống giáo dục có nền tảng. Những chính sách giáo dục hướng cho trẻ con về văn hóa, kiến thức, nhân văn xã hội, đạo đức và luân lý. Với chính sách như thế, sẽ là nền tảng khai phóng tinh thần và nhận thức của con người, khi đó, cho dù họ có tiếp nhận sự tuyên truyền theo hướng xấu, họ cũng có sự tự nhìn nhận, phân biệt việc xấu/ tốt, thật/giả,…
Ở xứ xã nghĩa, hệ thống giáo dục được điều hành ngược lại, ngoài việc dạy kiến thức, hầu như những nền tảng về đào tạo nhân cách con người không được chú trọng, trẻ con không được dạy về nhân văn xã hội, đạo đức hay luân lý một cách khách quan, văn minh mà thay vào đó là sự nhiệt tình tuyên truyền, nhồi nhét tôn sùng lãnh tụ, lãnh đạo. Một đứa trẻ con, tầm 3, 4 tuổi học mầm non đã bị nhồi nhét tư duy tôn sùng lãnh tụ. Chúng ta chưa bao giờ xem đó là việc hệ trọng ư??
Đó là nền giáo dục làm thui chột trí não con người. Làm cho trẻ con mất đi sự phân biệt khách quan mà đáng lẽ chúng phải mặc nhiên được hưởng, được hướng dẫn để khai phóng triệt để tư duy. Lớn lên một chút, học tiểu học thì vào đội, lên trung học vào đoàn, học đại học thì vào đảng. Đó là một hệ thống đào tạo trẻ con thành đảng viên, mặc nhiên chúng bị nhồi nhét chính trị từ bé, một sự nhận thức một chiều mà bản thân chúng không bao giờ nhận ra. Chúng ta gọi hệ thống tuyên truyền như thế là gì???
Hệ lụy của việc làm như thế tác động cực kỳ nguy hại cho sự phát triển con người, bằng chứng là, trải qua vài thế hệ, con người trở nên “tê liệt” trước chế độ chính trị, họ mặc nhiên cho rằng, chính trị của họ phải là như thế, tôn sùng lãnh tụ là niềm vinh hạnh, được vào đảng, làm việc dưới trướng lãnh đạo là niềm vinh quang. Các bạn có từng kiểm chứng điều tôi đang nói đây, có bao nhiêu con người đã rơi vào sự nhận thức như vậy? Xin thưa, hàng chục triệu con người ở xứ xã nghĩa đang bị như thế.
Vậy thì làm thế nào?
Người ta nói, “lấy độc trị độc”, muốn rửa trôi được nhận thức u mê, tăm tối thì phải lấy nước sạch rửa trôi nó, lấy ánh sáng mà soi sáng cho nó. Nước sạch hay ánh sáng cũng chính là sự tuyên truyền, nhưng tuyên truyền theo hướng tốt đẹp và tích cực. Chứ đừng tuyên truyền theo kiểu xã nghĩa, tội lỗi lắm nhé!
Huỳnh Thị Tố Nga