„Made in China“ đổ bộ vào nước Nga – phải chăng lệnh trừng phạt của phương tây gậy ông đập lưng ông

- Quảng Cáo -

Von Eduard Steiner (WELT)

Hải cảng Wladiwostok, ô tô do Trung Quốc sản xuất được chở đến đây. Chery là một trong Top-3 ô tô Trung Quốc ở Nga

Trung Quốc khai thác triệt để tình hình chiến tranh và lệnh trừng phạt ở Ukraine để củng cố vị thế kinh tế của mình ở Nga. Thị trường xe hơi cho thấy tốc độ ngoạn mục mà TQ đang thay thế các sản phẩm của phương Tây.

Những thay đổi trong ngoại thương của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine nay đang tăng tốc. Ban đầu, người Nga tỏ ra hoài nghi Trung Quốc, nay chấp nhận thay thế các sản phẩm của phương Tây bằng hàng hóa do Trung quốc sản xuất. Thực tế là hàng hóa cuả TQ đang tràn ngập thị trường Nga.

- Quảng Cáo -

Sự thay đổi này chủ yếu được cảm nhận trên thị trường xe hơi, vốn chủ yếu do các thương hiệu phương Tây thống trị trong hai thập kỷ qua. Khoảng một nửa khoảng trống do sự rút lui của ngành công nghiệp ô tô phương Tây kể từ khi bắt đầu chiến tranh đã được lấp đầy bởi sản phẩm của Nga, nhưng giờ đây là một phần đáng kể của các thương hiệu Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng vượt xa cả những dự báo táo bạo nhất: trong khi thị phần trước chiến tranh chưa đến 10% thì đến cuối tháng 6 năm nay, thị phần đã tăng lên 45%, theo số liệu thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Moscow.

Một lý do khiến thị phần của Trung Quốc tăng lên là do thị trường ô tô Nga bị thu hẹp kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Trong năm 2021, 1,7 triệu phương tiện mới đã được đăng ký, đây là thị trường nội địa lớn thứ tám trên thế giới.

Trong năm chiến tranh 2022, nó đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 600.000 chiếc và trong quý đầu tiên của năm 2023, đã có những dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm hơn nữa, điều này có lợi cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Thương mại ô tô là một ví dụ rõ rệt về sự chuyển động chung trong ngoại thương. Điều này đã tăng tốc sau khi chiến tranh bắt đầu và là một phần của quan hệ đối tác chiến lược mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ phát triển hơn nữa.

Tổng khối lượng thương mại giữa hai nước đã tăng 40,6% lên 114,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 theo công bố mới đây của cơ quan hải quan Trung Quốc. Nga đã xuất khẩu dầu mỏ, than đá và kim loại sang Trung Quốc với giá trị 62 tỷ đô la (tăng 19,4%), nhiều hơn cả xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga.

Tăng trưởng xuất khẩu hơn 78% và Trung Quốc đã xuất khẩu sang Nga trong nửa năm qua của năm 2023 nhiều như EU, nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất của Nga trước chiến tranh, đã xuất khẩu trong cả năm 2022.

Đồng thời, khối lượng thương mại của Trung Quốc với đối tác thương mại chính của họ là Hoa Kỳ đã giảm 14,5% xuống còn 327 tỷ USD so với cùng kỳ và xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 17,9% xuống còn 239 tỷ USD.

Trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang giảm sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau và Đức muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc “ở những khu vực quan trọng” theo chiến lược mới của Trung Quốc, thì Nga lại đang đi theo con đường hoàn toàn ngược lại.

Trung Quốc thử nghiệm sự bành trướng toàn cầu của mình ở nước Nga

Đối với người Trung Quốc, Nga là nơi thử nghiệm đáng hoan nghênh về cách cạnh tranh với phương Tây trên cấp độ toàn cầu, điều này đã được đề cập nhiều lần tại triển lãm ô tô Thượng Hải. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mới chỉ ở bước khởi đầu trong việc chinh phục thị phần trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Tuy nhiên, ở trong nước, họ đang xâu xé nhau kịch liệt vì dư thừa công suất về ô tô điện.

Hai nghiên cứu của Allianz Trade và Boston Consulting Group (BCG) gần đây đã tiết lộ sự thành công của Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho ngành công nghiệp ô tô của châu Âu. Theo Allianz, các nhà sản xuất châu Âu có thể mất khoảng 7 tỷ euro lợi nhuận ròng hàng năm vào năm 2030. Theo BCG, thiệt hại của ngành công nghiệp ô tô châu Âu vào năm 2040 có thể lớn đến mức lục địa này sẽ bị giảm 145 tỷ euro sản lượng kinh tế hàng năm, trong điều kiện xấu nhất.

Một số nhà sản xuất ô tô của Nga đã yêu cầu được bảo hộ trước các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Đối với các nhóm sản phẩm khác, Trung Quốc muốn duy trì hoạt động xuất khẩu như hiện nay.

Đồng nhân dân tệ đã thay thế đồng đô la Mỹ trở thành ngoại tệ mạnh số một ở Moscow.

Thực tế là thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đang phát triển mạnh mẽ, điều này cũng có thể thấy đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trước đây hoàn toàn không đáng kể đang có chỗ đứng ở Nga với tư cách là đối thủ cạnh tranh với đồng đô la Mỹ và đồng euro. Đồng nhân dân tệ lần đầu tiên đã vượt qua đồng đô la Mỹ và trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga.

Và theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương, kể từ ngày 1 tháng 6, tỷ lệ ngoại tệ từ các quốc gia thân thiện (tức là không phải phương Tây) trong tài khoản và tiền gửi của các công ty Nga đã là 42%, cao hơn 5 điểm phần trăm so với một tháng trước đó. Phần lớn trong số này được tính bằng đồng nhân dân tệ.

Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)

- Quảng Cáo -