Christoph B. Schiltz (WELT)
Cuộc chiến tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn hết sức khốc liệt, không có dấu hiệu giảm bớt, nhưng EU lại đang hướng nhiều hơn đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lý do: Tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ là một cường quốc quân sự hiếu chiến. Bắc Kinh công khai đe dọa chiến tranh với các nền dân chủ như Đài Loan đồng thời thường xuyên khiêu khích các nước láng giềng như Nhật Bản và Úc. Trung Quốc tuyên bố có quyền kiểm soát khu vực này, qua đó nhà độc tài Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chặn các tuyến thương mại quốc tế trong khu vực đối với hàng hóa châu Âu, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nước Đức.
EU đối phó với sự bất ổn của Trung Quốc. EU đề xuất một công cụ mới, cái gọi là quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng. Theo thông tin từ WELT AM SONNTAG, một tài liệu tương ứng của Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu lần đầu tiên đã được thảo luận chi tiết bởi các đại sứ trong Ủy ban An ninh và Chính trị của EU.
Mục đích là để ký kết các thỏa thuận an ninh phù hợp với các quốc gia đối tác được lựa chọn và thiết lập các cuộc đối thoại về an ninh và quốc phòng ở cấp bộ trưởng. Hơn hết châu Âu muốn liên kết quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ven Thái Bình Dương. Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản đứng đầu danh sách này.
EU muốn bắt đầu với Nhật Bản. Mối quan hệ đối tác sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản vào thứ tư tới. Theo thỏa thuận của cả hai bên, trọng tâm phải là hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh hàng hải, cũng như chống lại thông tin sai lệch và cái gọi là các mối đe dọa hỗn hợp, an ninh mạng và các quan điểm chung về các sáng kiến giải trừ quân bị như không phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Tuy nhiên, quan hệ đối tác mới không bao gồm sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Nhật Bản có vẻ đặc biệt phù hợp với châu Âu. Tuy nhiên, Brussels phải hành động thận trọng, vì thế hệ người Nhật cao tuổi có xu hướng chống chủ nghĩa quân phiệt khá mạnh mẽ. Nhưng tại sao Châu Âu lại đặc biệt chú trọng tới Nhật? Nhật là một nền dân chủ thực sự mạnh mẽ và có một nền kinh tế vượt trội. Tokyo chia sẻ cơ chế trừng phạt Nga của phương Tây và hỗ trợ Ukraine cả về tài chính và quân sự.
Sau cuộc tấn công của Nga, Nhật Bản cảm thấy mối đe dọa từ Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Tokyo phải tìm kiếm các đối tác an ninh mới cùng với Hoa Kỳ, quốc gia có khoảng 50.000 binh sĩ đóng quân tại nước này. Theo quan điểm của EU, Nhật Bản có khả năng tham gia cung cấp trên nhiều lĩnh vực.
Tokyo có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự thêm gần 300 tỷ euro trong 5 năm tới, chi ít nhất 73,4 tỷ euro cho quốc phòng vào năm 2027. Đó sẽ là ngân sách quốc phòng lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Theo Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu, đánh giá khả năng chiến tranh, Nhật Bản hiện có quân đội mạnh thứ tám trên thế giới.
Nhật bản chủ trương tái định vị sau nhiều thập kỷ kiềm chế về quân sự trước các mối đe dọa từ Trung Quốc . Để đạt được mục tiêu này, Tokyo sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ tên lửa: Nhật dự kiến mua 500 tên lửa Tomahawk với tầm bắn 1.600 km do Mỹ sản xuất. Với những vũ khí này, chính phủ Nhật Bản có thể thực hiện “chủ trương đánh trả” mới, trong trường hợp bị tấn công vào lãnh thổ của mình, cũng có thể tấn công các mục tiêu ở Triều Tiên và một phần của Trung Quốc.
Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)