Lâm Viên (VNTB)
Vụ sạt lở khiến ông Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt phải bị “dừng chức”, chỉ là cách xoa dịu dư luận mang tính tình thế.
Nếu ông Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt không cấp phép công trình này, liệu sạt lở có xảy ra không?
Chiều 29-6, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản hỏa tốc số 5623/UBND-XD, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép xây dựng công trình (nơi xảy ra vụ sạt lở); kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình và toàn bộ quá trình thi công theo giấy phép được cấp; kiểm tra công tác giám sát thi công công trình theo giấy phép được cấp…
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, cơ quan này đã huy động hàng chục chiến sĩ phối hợp lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm nạn nhân được cho là đang bị vùi lấp phía dưới do sập taluy tại đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt.
Nguồn tin ban đầu cho biết, thành taluy ở độ cao 30 mét đã bị đổ sập vào khoảng gần 3g sáng ngày 29-6-2023 kéo dài khoảng 20 mét. Có ít nhất 4 căn nhà bị ảnh hưởng nặng, trong đó có căn nhà 2 tầng bị sập hoàn toàn, 3 căn còn lại bị hư hại nặng, đổ nghiêng.
Thành taluy sạt lở đã vùi lấp một lán trại dựng tạm ở bên dưới chân bờ taluy này.
Tại đường Đặng Thái Thân, phường 3 cũng ghi nhận bị sập taluy khiến đất đá tràn ra đường, có ít nhất 2 căn nhà bị ảnh hưởng. Vào thời điểm 9h sáng hôm 29-6-2023, đường Khe Sanh trên địa bàn phường 10, thành phố Đà Lạt cũng bị sạt lở đất ra đường, khiến giao thông tại đây đang tê liệt, kẹt đường nghiêm trọng.
Nhận xét ban đầu về nguyên nhân là gần 2 tuần lễ nay, Đà Lạt hứng chịu nhiều cơn mưa lớn với thời gian kéo dài, khiến đất bị ngấm quá nhiều nước dẫn tới việc sạt lở tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Việc đô thị hóa nhanh chóng trong thời gian gần đây cũng là một trong các nguyên do khiến Đà Lạt bị ngập lụt khi mưa lớn.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 29-6, khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 60 mm.
Một chuyên gia về khí tượng thủy văn đưa ra nhận định tư cách cá nhân là vụ sạt lở khiến ông Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt phải bị “dừng chức”, chỉ là cách xoa dịu dư luận mang tính tình thế. Bởi hiện nay đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Xây dựng các công trình dân sinh dưới chân núi. Bên cạnh đó, các công trình nhân tạo cũng có thể tác động tới tình trạng sạt lở đất một cách gián tiếp, thông qua việc ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, tình trạng mất cân bằng của tự nhiên.
Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, thời gian qua, Lâm Đồng mưa rất nhiều, đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.
Sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù ban ngày hay ban đêm. Nhưng nếu sạt lở đất xảy ra ban ngày, người dân quan sát được, có đủ thời gian ứng phó kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm. Còn sạt lở vào ban đêm, không quan sát được và đây là thời điểm người dân đang ngủ, không có sự đề phòng thì thiệt hại thường rất lớn.
Còn theo TS Lâm Ngọc Tuấn, Đại học Đà Lạt, tính đến hiện tại thì nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng chưa công bố hệ số thấm của nội ô Đà Lạt, nhưng bằng mắt thường, người ta có thể thấy không có mảng xanh, đất trống xen kẽ trong các khu vực dân cư, vùng trung tâm Đà Lạt. Khi mưa lớn xảy ra dồn dập, nước không thấm, thoát dần ở vùng cao mà đổ dồn xuống vùng thấp thì hệ thống thoát nước và suối sẽ không chịu nổi và gây ngập.
“Cả một đô thị lớn nhưng vùng cảnh quan xen kẽ không có, nền đất cỏ đã thay thế bằng bê tông thì dễ hiểu có mưa là sẽ ngập. Trong phạm vi trung tâm Đà Lạt, tôi khẳng định hệ số thấm của đất tiệm cận mức 0, do đó việc ngập mỗi khi mưa lớn sẽ còn xuất hiện. Hoặc hiện tượng này sẽ gây áp lực rất lớn lên chính quyền thành phố trong việc giải quyết nó lẫn những hậu quả ngắn hạn.
Với nền đất đỏ bazan vốn dĩ rất mềm và tơi xốp mà xây dựng các công trình cao 4-5 tầng cheo leo bám vào vách taluy cao 30 mét thì sớm muộn gì sức đè của công trình cũng sẽ khiến nơi đây bị sạt lở” – TS Lâm Ngọc Tuấn nhận xét.
Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì vùng Đà Lạt, Lâm Đồng bao đời nay vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này. Hãy nhường không gian cho tự nhiên tự vận hành theo quy luật của nó. Cãi thiên nhiên ắt sẽ nhận thiệt hại về mình…