Tùng Phong (SGN)
Biển Đông đang thực sự là “vạc dầu châu Á”, sẵn sàng bùng nổ những xung đột vốn đã chất chứa từ lâu. Ngày nay, hầu hết các nhà chính trị quốc tế đều tin rằng “Định mệnh chiến tranh” hay “Cái bẫy Thucydides” là điều gần như không thể tránh né giữa một siêu cường mới nổi là Trung Quốc ngày một hung hăng, thách thức trật tự thế giới cũ nơi mà Hoa Kỳ thống trị suốt hơn một thế kỷ.
Vùng biển chiến lược này có eo Malacca, nơi mà mỗi năm lượng hàng hóa thương mại vận chuyển qua có giá trị hơn $5.000 tỷ, cũng là huyết mạch của Trung Quốc khi hơn 70% lượng dầu khí nhập khẩu đi qua eo biển này. Tài nguyên dầu khí và thủy hải sản phong phú ở Biển Đông cũng là thứ mà Trung Quốc luôn thèm khát.
Bị thúc đẩy bởi tham vọng bá quyền với những diễn ngôn của chủ nghĩa duy vật hiện thực lịch sử, Tập Cận Bình thể hiện một niềm tin sắt đá về vai trò Thiên tử của bản thân và rằng đã đến lúc Trung Hoa thay thế vị trí siêu cường của Mỹ để lãnh đạo thế giới. Muốn làm được điều đó, trước tiên phải phá được cái vòng kim cô có tên “chuỗi đảo thứ nhất” mà Hoa Kỳ và đồng minh đã “trấn yểm”, kiềm chế con rồng Trung Hoa vươn ra Thái Bình Dương để trở thành cường quốc hải quân – điều mà cho đến nay vẫn là một thách thức với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) dù họ sở hữu đội tàu có số lượng, trọng tải và năng lực logistics mạnh nhất thế giới.
Chuyến thăm Việt Nam của nhóm tàu tác chiến USS Ronald Reagan CVN-76 được cộng đồng mạng xã hội Việt Nam chào đón nhiệt thành. Trong khi Hà Nội dè dặt trong từng câu chữ, hạn chế tối đa việc đưa tin, đăng bài.
Cùng thời điểm với xuất hiện USS Ronald Reagan CVN-76, ngày 25 Tháng Sáu, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính lại “đi sứ” trình diện Bắc Kinh. Và cùng thời gian USS Ronald Reagan CVN-76 tiến vào vịnh Sơn Trà, Đài VTV1 truyền hình trực tiếp chương trình “Tìm Đường Ra Biển” do Tạ Bích Loan làm MC. Chương trình ôn lại “tội ác giặc Mỹ” và sự chiến đấu “dũng cảm, mưu trí, quên mình vì tổ quốc” của hải quân Bắc cộng. Đài truyền hình quốc gia Việt Nam đã gửi một thông điệp rất rõ ràng về lập trường chính trị tới những ông chủ ở Trung Nam Hải và cả đám “giặc Mỹ cọp beo”.
Ba ngày trước đó, Bộ Công an cáo buộc một tổ chức khủng bố ở Mỹ đã cử người về Việt Nam “chỉ đạo” tấn công hai trụ sở chính quyền xã ở Dak Lak trong vụ bạo loạn ngày 11 Tháng Sáu 2023. Tuy vậy, phía công an Việt Nam không nêu rõ tên “tổ chức khủng bố” cũng như hình ảnh về người đàn ông bị cho là “kẻ chỉ đạo”, hiện “đã bị bắt giữ”.
Nếu sắp xếp các sự kiện này lại theo thứ tự thời gian, chúng ta có thể thấy sự “trùng hợp” kỳ lạ, nhất là trong bối cảnh địa chính trị biến động như hiện nay. Sự “trùng hợp” này và cách thức truyền thông lập lờ đầy hàm ý của Bộ Công an và Đài VTV1 khiến giới quan sát nhận định rằng: Nội bộ Việt Nam hiện có hai khuynh hướng đối lập nhau. Một phe mong muốn lợi dụng tối đa sự ủng hộ của Hoa Kỳ về kinh tế, hỗ trợ về an ninh hàng hải và thu hút đầu tư. Trong khi phe kia thì muốn đẩy Việt Nam ra xa cơ hội có thể nâng cấp mối quan hệ từ “đối tác chiến lược” thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
Trong tình huống này, có thể nhận diện thế lực “thờ địch” lại chính là cơ quan ngôn luận của đảng, và “thanh kiếm, lá chắn của chế độ”.
Có thể đặt câu hỏi “Liệu rằng có mối liên quan giữa tình hình Biển Đông, quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung với cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua hay không?”
Tây Nguyên những năm gần đây rất yên bình. Trong báo cáo mới nhất về tình hình an ninh của Bộ Công an năm 2022 hoàn toàn không đề cập mối nguy khủng bố, bạo loạn. Vậy tại sao, đúng thời điểm chuẩn bị nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ và trước chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan lại xảy vụ tấn công ngày 11 Tháng Sáu? Những nghi vấn và phân tích về vụ bạo loạn này, xin đọc lại bài “Một số nghi vấn và giả thuyết cần làm rõ vụ bạo loạn Tây Nguyên”; trong đó chúng tôi có nêu giả định rằng có thể có bàn tay Trung Quốc giật giây trong sự kiện Tây Nguyên.
Lùi lại một năm trước, vào thời điểm “Sa hoàng” Putin khởi động cuộc chiến tranh xâm lược tổng lực Ukraine, có thể nhận thấy rủi ro xung đột ở Biển Đông bắt đầu leo thang. Các cuộc tập trận rầm rộ của PLA bao vây đảo Đài Loan sau những phát biểu đầy mùi thuốc súng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khiến không ít người nghĩ chiến cuộc có thể bùng nổ ở Đông Á bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, sự hung hăng của đám tướng lĩnh PLA giảm dần sau những thất bại của Nga trên chiến trường Ukraine. Rất thực dụng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rút kinh nghiệm từ thất bại của “người bạn tốt nhất”; và họ thay đổi cách tiếp cận và chuyển mục tiêu sang… Siberia, Viễn Đông của Nga và Việt Nam. Kể từ Tháng Năm 2023, nhóm tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 cùng tàu kiểm ngư, dân quân biển, hộ tống hạm tên lửa ngang nhiên hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhiều lần, nhóm tàu này vào sát bờ biển tỉnh Khánh Hòa, quân cảng Cam Ranh, các giàn khoan của liên doanh dầu khí Vietsovpetro, gọi loa xua đuổi các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Hà Nội cảm nhận rõ móng vuốt của con rồng Trung Hoa đang kề tới cổ và giờ đây chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng đối trọng. Năm 2021, trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chìa bàn tay hữu nghị với Hà Nội khi gợi ý về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm “chiến lược toàn diện”.
Cho tới thời điểm này, Hoa Kỳ là nhà tài trợ chính trang bị khí tài quân sự cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam với nhiều tàu tuần duyên hiện đại và hàng chục xuồng cao tốc. Phi công Việt Nam được đào tạo sử dụng máy bay huấn luyện F5 và T6 Texan II từ 2019, trước khi tiếp cận sử dụng F16. Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ lớn nhất, hơn 40 triệu liều vaccine được trao tặng hoàn toàn miễn phí cùng trang thiết bị điều trị và đội ngũ nhân viên CDC đến từ Hoa Kỳ. Nhân dân Việt Nam biết rõ ai là bạn, ai là thù. Nhưng “lẽ phải” của đảng cầm quyền thì luôn đi ngược với lẽ phải và sự lựa chọn của người dân.
Sự trở lại của USS Ronald Reagan trong khuôn khổ “hợp tác, giao lưu” thực chất là một nỗ lực mới sau quãng thời gian gián đoạn và nguội lạnh giữa Hà Nội và Washington. Sự phụ thuộc chính trị lẫn quân sự của Hà Nội vào Moscow trên thực tế sâu đậm hơn người ta tưởng rất nhiều. Nhưng giờ đây, khi “đế quốc Đỏ” vĩ đại trên bờ sụp đổ, “cây tre Việt Nam” sẽ phải có lựa chọn mới. Vấn đề nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ được xem xét trở lại, với mức độ cấp thiết hơn.
Có lẽ sự ngả nghiêng của “cây tre Việt Nam” sang Mỹ lần này đã trở thành căn nguyên sâu xa của vụ bạo loạn ở Dak Lak vừa qua? Phải chăng Bắc Kinh đã đứng sau sự kiện trên khi phá hoại và gây bất ổn nội bộ Việt Nam như một cái tát vào mặt Hà Nội với lời nhắc rằng Trung Quốc có thể phá hoại ngay trong lòng Việt Nam nếu Hà Nội đung đưa đi dây với Mỹ?
Một sự kiện quan trọng khác, cũng “trùng hợp” với loạt diễn biến chính trị ở trên là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dẫn đầu đoàn chaebol đình đám tới tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn ở Việt Nam. Ngay sau khi cái ghế gãy bên bờ hồ Gươm, nơi cặp Võ Văn Thưởng – Yoon Suk Yeol ngồi tâm sự, được thay mới, thì những thỏa thuận hợp tác có giá trị $2 tỷ đã được hai nước ký kết. Hàn Quốc là một trong những đồng minh hùng mạnh nhất châu Á của Mỹ và cũng từng là quốc gia tham chiến cuộc chiến Việt Nam.
Chiếc CVN-76 được đặt theo tên Ronald Reagan, vị tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, người có vai trò chính trong việc hạ bệ chủ thuyết cộng sản để kết thúc Chiến tranh lạnh. Sự xuất hiện biểu tượng hùng mạnh của nước Mỹ cùng với thông điệp lịch sử ẩn chứa có lẽ là chi tiết ít được chú ý nhưng không phải không có ý nghĩa trong sự kiện thoạt nhìn chỉ mang tính “giao lưu” này. Trên mạng xã hội Việt Nam, người dân lại được dịp trầm trồ trước sức mạnh quân sự Mỹ. Nó không chỉ thể hiện sự thích thú thán phục trước sức mạnh cơ bắp của một cường quốc quân sự. Nó còn cho thấy ý nguyện người dân về sự chọn phe, về sự cần thiết và “đương nhiên” của việc chọn chỗ đứng như thế nào là đúng đắn với dòng chảy thời sự và đúng đắn với tính lịch sử của dân tộc.
Ai cũng thấy rõ điều đó, chỉ có những kẻ “thờ địch” là không./.