Christian Putsch (Welt)
Cobalt là nguyên liệu chính để sản xuất pin cho ô tô điện. Congo là nước có nguồn nguyên liệu cobalt rất dồi dào, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới. Hoa Kỳ rất lo lắng, quyết phá vỡ sự thống trị của Bắc Kinh. Các doanh nghiệp Đức bị luật pháp nước này trói tay.
Từ năm 2016 Nhà Trắng mới đặc biệt quan tâm đến vị trí địa chiến lược của Congo. Các chuyên gia Hoa Kỳ để mắt đến nguồn nguyên liệu cobalt rất dồi dào cuả nước này, một thành phần cơ bản trong sản xuất ô tô điện. Cộng hòa Dân chủ Congo là nhà khai thác quan trọng đối với cobalt.
Hơn 70% sản lượng thế giới đến từ quốc gia Trung Phi này, hơn 2/3 trữ lượng nguyên liệu có thể khai thác được cũng nằm ở đây.
Trung Quốc là nước đã thâu tóm hầu hết nguồn nguyên liệu này của Congo. Hoa Kỳ cũng như Châu Âu hầu như chịu cảnh chầu rìa đối với thị trường khổng lồ này. Có thể nói không có nguồn nguyên liệu này thì khó có thể tạo ra một bước ngoặt về năng lượng.
Trung Quốc chi khoảng 80% tài chính cho các mỏ cobalt ở Congo và kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu đối với pin lithium-ion. Mỹ đã chậm trễ trong việc nhận ra lỗ hổng này. Hoa Kỳ không hề có động tĩnh gì khi các doanh nghiệp Mỹ đã bán các mỏ cobalt cho Trung Quốc.
Tháng 12 năm ngoái, Washington đã ký một biên bản ghi nhớ với Congo và nước láng giềng Zambia, quốc gia có trữ lượng cobalt lớn thứ hai ở châu Phi để hỗ trợ hai quốc gia này trong việc “phát triển chuỗi giá trị trong lĩnh vực ô tô điện” và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên điều kiện sản xuất có sự trục trặc vì nhiều rắc rối, trong đó có vấn đề vi phạm quyền con người, sử dụng lao động trẻ em vv…
Trong các mỏ cobalt tại đây điều kiện lao động rất khắc nghiệt, thậm chí đe dọa tính mạng người lao động.
Hiện tại chỉ có các doanh nghiệp Ấn Độ và Canada đã tìm mọi cách giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc tại Congo. Các doanh nghiệp Đức bị trói tay do các quy định về không sử dụng lao động trẻ em, phải trả lương thỏa đáng cho người lao động và không làm tổn hại môi trường.
Vả lại sự dè giặt của các doanh nghiệp Đức cũng vì ở một số tỉnh ở Congo đang có xung đột bạo lực. Nước Nga cũng đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình ở Congo cũng như ở các khu vực khác của châu Phi. Hiện chưa có sự hoạt động của đội lính đánh thuê Wagner, nhưng điều đó không có nghĩa nó sẽ không xẩy ra. Trước đây đội quân Wagner đã từng có mặt tại Cộng hòa Trung Phi.
Hiện nay không ai biết chắc sẽ cần có bao nhiêu cobalt trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các số liệu hiện nay chỉ là con số dự đoán, không loại trừ yếu tố đầu cơ. Vả lại người ta còn tranh cãi về mức độ sử dụng pin trạng thái rắn hoặc pin lithium iron phosphate (LFP), loại pin này hầu như không đòi hỏi phải có coban. Congo, quốc gia khổng lồ với diện tích bằng cả Tây Âu, cũng muốn thể hiện vị trí chiến lược quan trọng của mình không để cho Trung Quốc thao túng hoàn toàn mặc dù Trung Quốc tỏ ra rất hữu hảo với các nhà lãnh đạo nước này.
Tới đây chắc chắn sẽ có một số tranh chấp giữa Congo và Trung Quốc. Điểm gây tranh cãi quan trọng nhất là một hiệp định về khai thác nguyên liệu trị giá 6 tỷ đô la ký năm 2008. Thỏa thuận này được chính phủ tiền nhiệm của ông Tshisekedi là Joseph Kabila ký kết, cạnh đó là lời hứa sẽ đầu tư trị giá 6,2 tỷ đô la nhưng cho đến nay chưa được thực hiện.
Trong khi hàng tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào lục địa này từ lâu đã nhường chỗ cho các dự án cơ sở hạ tầng tương đối nhỏ, Bắc Kinh đang tỏ ra kém hợp tác hơn rất nhiều trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Phi hiện nay, vốn đang ảnh hưởng sâu sắc đến cả Kenya và Congo. Giá nguyên liệu cobalt giao động mạnh, hiện nay đang ở mức thấp nhất trong bốn năm qua vì thế tranh cải về các hợp đồng đã ký đã tạm thời ngưng lại.
Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)