Sau khi Medvedev về nước, nếu giữa Nga và Ukraine đồng ý sớm ngồi lại với nhau thì rõ ràng, Hà Nội đã chọn được phương cách hữu hiệu trong các cuộc nói chuyện phải quấy với đảng trưởng EP. Nếu việc Nga rút quân trong danh dự vẫn chưa xảy ra, thì rõ ràng…
Thế kẹt của nước Nga – Putin
Việc đảng trưởng Medvedev đến Hà Nội giữa những ngày hè nóng bức và ngột ngạt là thêm biểu hiện về thế bế tắc của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. TASS không úp mở: Ưu tiên hàng đầu của các cuộc thảo luận với lãnh đạo Việt Nam là “hợp tác khu vực và tình hình ở Ukraine”.
Có điều là, truyền thông trong nước không nói rõ các nhà lãnh đạo Việt, Nga có đề cập cụ thể về cuộc chiến ở Ukraine hay không? Chỉ dấu này cho thấy Việt Nam khá thận trọng đối với chuyến thăm của người đứng đầu đảng Nước Nga thống nhất (EP). Trên tư cách Đảng trưởng, đồng thời là phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang, Dmitry Medvedev đã đến Hà Nội vào ngày 21/5. Thời điểm ấy, tại Hiroshima, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang gặp gỡ Tổng thống Ukraine Zelensky bên lề Thượng đỉnh G7. Giới quan sát đều nhìn nhận từ cả hai góc độ, vừa là “thế kẹt” nhưng cũng là một sự “né tránh” khi truyền thông Việt Nam chờ cho Thượng đỉnh G7 kết thúc, chuyến công du Hà Nội của Medvedev mới công bố muộn lại một hôm.
Nước Nga thừa hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên, G7 đã ba lần mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng. Rõ ràng, Việt Nam đã được tham gia cùng 7 cường quốc dân chủ, cùng với 7 đối tác hàng đầu của họ để trình bày đánh giá về “bước ngoặt lịch sử” của nền kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu. Trong quá trình thảo luận này, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là một vấn đề then chốt. Bản thân Tổng thống Ukraine cũng đã đưa ra lời mời gọi tất cả các nước có mặt “hãy quyết tâm chấm dứt cuộc chiến này”. Cũng theo Zelensky, “ngay cả khi chúng ta bị ngăn trở bởi khoảng cách, chúng ta không bị tách rời bởi sự hiểu biết chung”. Tổng thống Ukraine, vì vậy, đã đưa ra đề xuất về một Hội nghị Thượng đỉnh “Công thức Hòa bình” vào tháng 7 tới – thời điểm mang tính biểu tượng khi Ukraine sẽ đánh dấu 500 ngày chống trả cuộc xâm lược toàn diện của Nga.
Các nhà bình luận đánh giá với VOA rằng, Việt Nam tuy gặp một số khó khăn nhất định, nhưng đã xử lý khôn khéo với Nga khi bàn về cuộc chiến Ukraine. Các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, bao gồm cả báo của Chính Phủ, đài Tiếng nói Việt Nam, đài Truyền hình Việt Nam, cho biết Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm riêng rẽ với ông Dmitry Medvedev. Hai ông Trọng và Medvedev “đã trao đổi về đánh giá của mỗi bên về tình hình quốc tế hiện nay, các phương hướng lớn thúc đẩy phát triển tích cực trên thế giới và quan điểm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm”. Truyền thông nhà nước viết rằng, Thủ tướng của Việt Nam khẳng định là đất nước này “luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Vẫn theo báo chí Việt Nam cho hay, hai bên đã ra tuyên bố chung nói chuyến thăm của ông Medvedev có một số mục tiêu là “tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm củng cố hòa bình, an ninh, vì lợi ích của nhân dân hai nước; bảo vệ và tăng cường các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”. Dám đề cập thẳng thắn như thế này với đảng trưởng Nga, nền ngoại giao “cây tre” giờ này tỏ ra “cứng cáp” hơn mọi năm.
Việt Nam đã lắng nghe Medvedev?
Cũng vì lý do trên, người viết bài này không nghĩ rằng, đến giờ này mà đảng trưởng Medvedev còn cất công sang tận Hà Nội để cố vận động Việt Nam ủng hộ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Người Nga phải hiểu rằng, những lần Hà Nội bỏ phiếu thuận cho Nga ở Liên hợp quốc chẳng qua là do tình thế “nước cờ bí” của Ngoại giao Việt Nam, chứ không phải Hà Nội thật lòng muốn “a dua” với nhà nước khủng bố kiểu Putin. Lợi ích quốc gia của Việt Nam gắn bó quá chặt chẽ với khối phương Tây và Mỹ. Trong khi Mỹ và EU đã đưa ra lời cảnh báo rõ ràng, sẽ có hình thức trừng phạt, đối với bất cứ nước nào ủng hộ Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam đủ trí khôn để không dám coi thường những điều mà ngay đến cả nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc còn chưa dám chống lại các quy định nghiêm túc ấy của Mỹ và phương Tây.
Sau khi Medvedev về nước, nếu giữa Nga và Ukraine sẽ có thỏa thuận sớm gặp nhau thì rõ ràng lãnh đạo Hà Nội đã chọn được phương sách tương đối hữu hiệu trong cuộc nói chuyện với đảng trưởng Nước Nga Thống nhất. Nếu việc Nga rút quân trong danh dự vẫn chưa xảy ra nay mai thì rõ ràng “cái duyên” của cả Nga, Việt lẫn Ukraine chưa bén… Hôm 23/5, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia hàng đầu về kinh tế và tài chính, đã đưa ra bình luận: “Cảm nhận chung và ban đầu về chuyến thăm của ông Medvedev… là có phần gượng gạo, có vẻ đây là cơ hội rất cần đối với Nga, do họ đang ở trong thế không có nhiều lựa chọn, song không hoàn toàn thuận với Việt Nam, nếu xét theo khía cạnh nào đó”. Khía cạnh nào đó chính là dư luận của thế giới tiến bộ phản đối hành động xâm lược của Nga.
Tin tức được rò rỉ còn cho thấy, Nga trên thực tế đã “ngấm đòn” của Trung Quốc, nay muốn quay sang tìm một “điểm tựa” (cách nói của Nga chỉ vai trò của Việt Nam hiện nay) từ một “đối tác chiến lược toàn diện” và muốn bàn với Hà Nội cách làm thế nào để giúp nước Nga “hướng Đông” trong cục diện mới. Điều này mở ra khả năng, nếu Việt Nam tận dụng được thế “đa dạng hóa” đúng nghĩa giữa các đại cường đang cạnh tranh nhau gay gắt, nền ngoại giao “cây tre” có thể mang lại nhiều đón đợi mà trước nay vẫn bị một số đánh giá hoài nghi. Giới quan sát cũng nhất trí với nhau rằng, đối với những gì được các bên thông báo công khai, trong đó có những nội dung liên quan về hợp tác chẳng hạn như trong an ninh, quốc phòng, hay kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, trong đó có dầu khí, năng lượng và nhiều hợp tác khác, chỉ là hình thức, phía sau thực chất là gì, thì cần theo dõi tiếp trên thực địa./.