Khoảng 20, 25 năm đầu sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, những người chống lại đảng và nhà nước cộng sản, chống lại mô hình thể chế độc tài toàn trị lúc ấy đa phần là người thuộc chế độ VNCH cũ, trong đó rất nhiều người từng làm việc cho quân đội, chính quyền VNCH cho tới trí thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ, linh mục…
Nhưng ít nhất hai mươi năm trở lại đây đa phần những người dám đứng lên chỉ trích chế độ cộng sản là ai? Là những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng tham gia vào lực lượng quân đội của cộng sản trong những cuộc chiến tranh khác nhau, từng hoạt động trong bộ máy nhà nước cộng sản, từng là đảng viên, hay là những người không dính dáng đến đảng nhưng đang có công ăn việc làm tốt, thành đạt trong xã hội chứ không phải là những người thất bại, bất mãn. Ví dụ, những người vừa là nhà văn, nhà báo vừa là cựu chiến binh như nhà báo Bùi Tín, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ Nguyễn Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà hoạt động Lê Đình Lượng…cho tới những người từng làm việc trong các cơ quan khác nhau của nhà nước cộng sản như nhà văn Phạm Thành (cựu thư ký tòa soạn Đài Tiếng Nói Việt Nam), nhà báo Trương Duy Nhất (từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung), nhà báo thuộc loại “con nhà cách mạng nòi” như Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Đoan Trang, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân… Kể không xiết. Đó là chưa nói tới những bậc tu hành, mục sư, linh mục, tín đồ…các tôn giáo khác nhau, trong đó đồng bào thuộc các sắc dân bản địa bị đàn áp, tù đày hoặc phải bỏ trốn sang Campuchia, Thái Lan rất nhiều.
Và bây giờ kỹ sư Trần Văn Bang, người đang bị đưa ra xét xử về tội “tuyên truyền chống nhà nước” cũng lại xuất thân là một quân nhân tham gia cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược vào thập niên 80. Xuất ngũ, ông trở lại giảng đường đại học Thủy Lợi và tốt nghiệp với văn bằng kỹ sư.
Những quan chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam và toàn bộ bộ máy tuyên truyền của nhà nước luôn luôn nổ hết công suất ngày đêm tụng ca chế độ, tụng ca tài năng lãnh đạo của đảng, tụng ca cuộc sống ở “thiên đường xã hội chủ nghĩa VN” v.v. và v.v…vậy thì, chỉ với 3 câu hỏi đơn giản này thôi họ giải thích ra sao đây:
- Đất nước tươi đẹp, cuộc sống sung sướng hơn xưa tại sao suốt gần nửa thế kỷ qua dòng người bỏ nước ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá, trong đó có cả những người thành đạt, quan chức cộng sản và con cháu của họ, vẫn chưa hề dừng lại ?
- Tại sao thành phần chỉ trích đảng, chống đảng cứ ngày càng đông, và là con cháu của chế độ này?
- Một đảng cầm quyền, một chế độ phải được xây dựng từ những con người. Vậy thì một cái đảng cầm quyền, một chế độ mà rất nhiều người ưu tú thì chống lại và bị bỏ tù hoặc phải bỏ xứ ra đi, trong khi hàng trăm, hàng ngàn quan chức, cán bộ từ trung ương đến địa phương thì bị bắt với những tội danh như tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, hủ hóa, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng v.v…cái đảng đó, cái chế độ đó phải hiểu như thế nào-thành công hay thất bại và có xứng đáng để tiếp tục cai trị, đè đầu cưỡi cổ nhân dân nữa hay không?