Nhà nước Việt Nam đã áp dụng luật hình sự một cách tự tiện để truy tố các nhà hoạt động khí hậu hàng đầu của đất nước vì tội trốn thuế, theo một báo cáo của tổ chức nhân quyền The 88 Project (Dự án 88) được công bố hôm thứ Sáu tại câu lạc bộ báo chí ở Bangkok, Thái Lan.
Trong một thông cáo báo chí, Dự án 88 cho biết: các nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương đã thúc đẩy nhà cầm quyền cam kết thực hiện chính sách giảm khí thải carbon để “Phát thải Ròng bằng Không” vào năm 2050, qua đó mở đường cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ đô la giữa G7 và Việt Nam.
Ben Swanton, Đồng Giám đốc Dự án 88, công bố: “Nhà nước Việt Nam rõ ràng coi việc tổ chức vì một môi trường sạch và thúc đẩy xã hội dân sự độc lập với nhà nước độc đảng là một tội ác.”
“Thật đáng phẫn nộ khi G7 thưởng cho nhà nước [Việt Nam] một thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ đô la mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào về nhân quyền,” ông nói.
“Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức cho Đặng Đình Bách và các nhà hoạt động khác đang bị giam giữ tùy tiện, và G7 nên đưa ra điều kiện hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam với điều kiện nhà nước không bắt giữ thêm bất kỳ nhà hoạt động nào nữa.”
Trong bản báo cáo “Vũ khí hóa luật pháp để truy tố Bộ tứ Việt Nam”, Dự án 88 đã trình bày chi tiết những bằng chứng về sự can thiệp chính trị vào việc truy tố hình sự các nhà hoạt động, cũng như nhiều cách mà quyền của họ đã bị vi phạm. Báo cáo cho rằng kể từ khi Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền vào năm 2016, nhà nước đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm hạn chế quyền tự chủ và tác động của các tổ chức xã hội dân sự.
Báo cáo cho rằng luật pháp Việt Nam không rõ ràng về việc liệu các tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương có phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hay không, và tại thời điểm bị bắt giữ các tổ chức phi chính phủ thường không nộp thuế đối với các khoản tiền nhận được từ các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án phát triển quốc tế, ngay cả các dự án đã không nhận được sự chấp thuận chính thức của chính phủ.
Báo cáo bác bỏ lập luận của nhà nước cho rằng Bộ tứ Việt Nam chỉ bị nhắm mục tiêu vào việc trốn thuế, xác định một cách tỉ mỉ rằng nhà nước có động cơ thầm kín để truy tố họ. Bộ tứ Việt Nam không chỉ là cộng sự thân thiết, họ còn hợp tác trong một chiến dịch vận động chính sách, đe dọa các lợi ích cố hữu và sự độc quyền hoạch định chính sách của của một nhà nước độc đảng.
Dự án 88 đã rà soát gần 90 bản án của những cá nhân bị kết tội trốn thuế giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, so sánh thủ tục hình sự và bản án áp dụng cho những bị cáo trước đây với các bản án áp dụng cho bốn nhà hoạt động. Trên hầu hết các chỉ tiêu, Dự án 88 đều phát hiện những sai phạm nghiêm trọng.
Báo cáo cho biết những bất thường trong vụ án Bộ tứ Việt Nam “là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc lạm dụng quy trình và áp dụng luật tùy tiện”. Nó cho thấy các cáo buộc, giam giữ và trừng phạt đối với Bộ tứ Việt Nam là không cần thiết và cũng không tương xứng (trong chừng mực để đáp ứng nhu cầu trừng phạt hành vi phạm tội), mà dường như được thiết kế để bịt miệng những cá nhân này và loại bỏ họ khỏi xã hội, do đó vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền tham gia vào các công việc chung của họ.
“Việc truy tố Bách, Khanh, Lợi và Dương là dấu hiệu của một làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam,” báo cáo cho biết. “Không giống như những nhà hoạt động chống nhà nước thường xuyên bị truy tố vì tội phạm an ninh quốc gia, Bộ tứ Việt Nam là thành viên của một cộng đồng các chuyên gia của các tổ chức phi chính phủ tuân thủ các ưu tiên chính sách của nhà nước và không đặt câu hỏi về tính hợp pháp của chế độ độc đảng.”
Dự án 88 tin rằng nếu không có sự can thiệp phối hợp của cộng đồng quốc tế, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục ở Việt Nam.
Báo cáo cũng kêu gọi điều tra độc lập về các vụ truy tố, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Tô Lâm trong việc truy tố Đặng Đình Bách và Ngụy Thị Khanh, đồng thời đưa ra các đề xuất về cách các tổ chức xã hội dân sự khác và các nhà tài trợ quốc tế có thể hỗ trợ phong trào xã hội dân sự của Việt Nam.
Người Đà Lạt Xưa