Hôm nay (21.4.2023), ông Tuấn đã bị tòa kết án 3 năm tù giam. Vậy ông đã phạm tội gì? Tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đọc cáo trạng và cả bản án của Tòa qua lược thuật của báo chí thì có thể nói nôm na rằng ông Tuấn đã phạm tội mua bán không đúng thủ tục: đáng ra là phải tổ chức đấu thầu để mua được hàng với giá rẻ nhất thì ông lại đi mua…chịu của khách quen.
Với hình thức này, ông và đồng phạm đã gây ra thiệt hại hơn 53 tỉ đồng trong tổng số 600 tỉ của tất cả các gói thầu – hay có thể diễn đạt cách khác là mua đắt lên gần 9% (tức là đáng ra nếu chỉ mất 100 đồng thì nhà nước lại phải bỏ ra 109 đồng).
Ông Tuấn sai lè rồi, nhưng mua chịu mà mua đắt lên chỉ gần 9% thì có phải là cái giá quá cao? Chưa kể trong khi nếu không mua thì bệnh viện có nguy cơ đóng cửa, vì thủ tục đấu thầu rắc rối và mất rất nhiều thời gian giữa lúc bệnh nhân đang nằm chờ…
Một điều nữa là trong 53 tỉ đồng tiền chênh lệch này, ông Tuấn không ăn chia gì cả. Liên quan đến tiền bạc thì chỉ có duy nhất 1 lần ông nhận 10.000 USD (khoảng 240 triệu đồng) được đối tác biếu trong dịp tết cùng với 1 chai rượu và hộp xì-gà, gọi là quà tết. “Thổi” lên hơn 53 tỉ đồng mà chỉ để nhận về hơn 200 triệu đồng thì có lẽ không một kẻ nhằm mục đích vụ lợi nào lại ngớ ngẩn đến thế (?).
Như vậy có thể nói, ông Tuấn vi phạm quy định về mua bán nhưng không phải nhằm mục đích trục lợi hay chia chác; đây là một trong những lý do mà một tội có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù nhưng ông Tuấn chỉ phải lãnh 3 năm. Trong phiên tòa, ông cũng không chối tội, không đổ lỗi, mà luôn nhận trách nhiệm cao nhất và xin tòa án giảm nhẹ hình phạt cho những thuộc cấp đã vì phải làm theo lệnh mình mà vướng lao lý.
Tôi không bình luận gì về mức án cũng như “đạo đức” của ông Tuấn, các bạn tự có đánh giá của mình.
Đây cũng là stt đầu tiên và sẽ là duy nhất mà tôi chính thức viết về ông Tuấn. Tất cả những bài trước đều chỉ là nhân vụ án này mà bàn về cơ chế/thiết chế/hệ thống/thể chế, chứ không có lời nào bênh vực ông Tuấn như một số người đã vô tình hay cố ý gán ghép cho tôi.
Trở lại, ông Tuấn sai, nhưng vì sao sai thì lại là cả một câu chuyện dài phía sau về thủ tục, chính sách, cơ chế… Chỉ có điều chúng ta cần nhớ, ông Tuấn không phạm tội tham nhũng, cũng không cấu kết để nâng khống giá vật tư nhằm chia phần trên xương máu người bệnh.
Phán xét đạo đức người khác là việc rất dễ, nhưng cũng bởi vì ta ít khi đặt mình vào hoàn cảnh của họ và bối cảnh chung của cả một xã hội.
Nếu cần thiết phải nói lại một lần nữa thì tôi vẫn khẳng định: muốn chống tham nhũng hiệu quả cũng như muốn xây dựng được nền tảng cho một xã hội tốt đẹp thì dứt khoát phải sửa đổi cơ chế/thể chế. Chỉ có như thế, người tốt mới khó bị tha hóa và người xấu mới hiếm có cơ hội làm ác. Và hơn hết, việc sửa đổi đó không chỉ ngăn ngừa sai phạm của quan chức, mà chính là mang lại cuộc sống xứng đáng hơn cho tất cả chúng ta – những người đang bàn cãi về vụ án này.
Thái Hạo