Mai Vũ Phạm (SGN)
Đảng Cộng sản Việt Nam theo Mỹ vì sợ Trung Quốc?
Cuối Tháng Ba vừa qua, tàu Kiểm Ngư 278 Việt Nam đã truy đuổi tàu cảnh sát biển Trung Quốc CCG5205 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam, thậm chí có lúc hai tàu gần như sắp đụng nhau. Hành động đáp trả cứng rắn của Việt Nam với tàu “lạ” là hiếm thấy trong nhiều năm qua, giữa lúc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “cây gậy và củ cà rốt” (Carrot and Stick).
Phải chăng nhờ sự hiện diện của các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại của quân đội Hoa Kỳ tại Đông Nam Á (ĐNA), mà chính quyền Hà Nội đã quyết không nhân nhượng với Trung Quốc ở Biển Đông? Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có quyết định thay đổi chính sách từ nhượng bộ tới cứng rắn hơn với Trung Quốc?
Tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ
Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam đã thay đổi đáng kể kể từ khi hai nước ký thỏa thuận bình thường hóa ngoại giao năm 1995. Tới năm 2013, hai nước ký thỏa thuận thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện”. Thương mại song phương đã tăng gấp 200 lần kể từ khi bình thường hóa ngoại giao. Nhiều hợp tác kinh tế và quân sự giữa hai nước, bao gồm Hoa Kỳ chuyển giao hai tàu tuần duyên cho Hà Nội năm 2017 và các chuyến thăm của các hàng không mẫu hạm tới Việt Nam. Theo chuyên gia ngoại giao hàng đầu về Đông Á, ông Daniel Kritenbrink, Việt Nam là “một trong những đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong khu vực”.
Kể từ khi đại dịch COVID bùng nổ, Việt Nam được đánh giá là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc để trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2021, Hoa Kỳ đã chọn Hà Nội là địa điểm thành lập một Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thể hiện cam kết lâu dài với Việt Nam. Quan trọng hơn, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Biển Đông. Bởi thế, chính quyền Biden đánh giá cao việc mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Theo Chiến lược An ninh Quốc gia công bố vào Tháng Mười năm 2022, chính quyền Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với các quốc gia ĐNA, đặc biệt nêu đích danh Việt Nam và Singapore. Hàng loạt chuyến thăm cấp cao của chính phủ Biden tới Việt Nam, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris, và mới đây là Ngoại trưởng Antony Blinken.
Trong chuyến thăm cấp cao tuần vừa qua, Ngoại trưởng Blinken lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp mối hợp tác giữa Hoa Kỳ – Việt Nam thành “đối tác chiến lược.” Thông điệp này đã được Phó Tổng thống Kamala Harris đề cập trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào Tháng Tám năm 2021.
Trong chuyến thăm vừa qua, Ngoại trưởng Blinken cũng đã tham dự lễ khởi công xây dựng Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ trị giá $1.2 tỷ tại Hà Nội. Với dự án này, chính quyền Biden muốn khẳng định cam kết cải thiện hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Chính quyền Biden đã khuyến khích Việt Nam tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ để đối phó sự hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn rất dè dặt, cân nhắc kỹ lưỡng về chính sách thân thiết với Hoa Kỳ vì không dám chọc giận Trung Quốc.
ĐCSVN vẫn lo ngại Trung Quốc
Cuối Tháng Mười năm ngoái, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc ngay sau khi Đại hội CS Trung Quốc kết thúc. Cơ quan phát ngôn ĐCSVN nhấn mạnh cuộc gặp gỡ giữa Trọng và Tập Cận Bình thể hiện “chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.”
Tuy nhiên, theo nghiên cứu viên cao cấp, Jonathan Stromseth, tại Viện Brooking, chuyến thăm này không phải là bất thường từ góc độ lịch sử, và nó phơi bày toan tính của Trung Quốc nhiều hơn là Việt Nam, với việc Tập Cận Bình thẳng thừng nhắc nhở người đứng đầu ĐCSVN rằng đừng nên để bất kỳ ai can thiệp vào quan hệ đối tác của cả hai.
Mặc dù đại đa số người Việt Nam đều ủng hộ mối quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ, nhưng cáclãnh đạo ĐCSVN lo ngại về sự đáp trả từ Bắc Kinh nếu để Việt Nam quá gần gũi với Washington. Vị trí địa lý, và đặc biệt là sự phụ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc khiến lãnh đạo ĐCSVN duy trì thái độ không khiêu khích, thỏa hiệp, và thậm chí cúi đầu trước Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc đóng góp 1/3 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, cung cấp cho nước này những mặt hàng không thể thiếu đối với chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam. Quan trọng hơn là cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam và các đối tác Đông Nam Á không ổn định, gần như thay đổi mỗi khi có tổng thống mới. Vì vậy, ĐCSVN đã duy trì chính sách đối ngoại “đa phương” và chính sách quốc phòng “bốn không” trong nhiều thập kỷ để vỗ về Trung Quốc.
Giới bình luận cho rằng có thể diễn ra một cuộc gặp gỡ chính thức giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra vào ngày 10 Tháng Bảy, đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Và dự đoán trong cuộc gặp gỡ này, Việt Nam có thể sẽ ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác từ “toàn diện” thành “chiến lược” với Hoa Kỳ. Với việc trở thành “đối tác chiến lược” Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí cho Việt Nam.
ĐCSVN dường như nhận ra rằng đã đến lúc phải thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, khi mà “láng giềng tốt, đồng chí tốt” đang tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông và đẩy mạnh hợp tác kinh tế và quân sự với Nga.
Sẽ không ai hiểu rõ hơn dã tâm của ĐCS Trung Quốc hơn lãnh đạo ĐCSVN. Vì thế, CSVN có thể ngoài mặt sẽ đồng ý ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác, nhằm tạm tìm kiếm hỗ trợ quân sự và kinh tế từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn với Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời mà thôi. Bởi mục đích tối hậu của ĐCSVN trong mọi chính sách là bảo vệ đảng và sự tồn vong của chế độ. Thân thiết với Hoa Kỳ và cứng rắn với Trung Quốc về lâu dài sẽ bất lợi với mục đích tối hậu này./.