Gideon Rachman
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh là cái giá có thể chấp nhận được để bảo vệ một nền dân chủ châu Á đang phát triển mạnh mẽ.
Mỹ có nên bảo vệ Đài Loan? Đây không phải là một cuộc tranh luận trừu tượng. Cuối tuần qua, Bắc Kinh đã mô phỏng các đợt tấn công ném bom nhắm vào hòn đảo, trong khi lực lượng hải quân của họ bao vây Đài Loan.
Để đối phó với việc Trung Quốc liên tục leo thang áp lực quân sự lên hòn đảo, Tổng thống Joe Biden đã hứa – bốn lần – rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc.
Đối với một số người ở Mỹ, những cam kết của Biden nghe có vẻ điên rồ. Doug Bandow của Viện Cato, một viện chính sách, đã phàn nàn rằng “hầu hết các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẵn sàng liều mạng để bảo vệ Đài Loan.” Tại sao nước Mỹ hay lo sợ chiến tranh lại nên đe dọa sẽ đối đầu Trung Quốc, cũng là một cường quốc vũ trang hạt nhân, để bảo vệ một hòn đảo có 24 triệu dân nằm cách bờ biển Trung Quốc khoảng 160 km?
Tại nhiều nước châu Âu, sự hoài nghi về việc bảo vệ Đài Loan thậm chí còn rõ ràng hơn. Trở về sau chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước, Tổng thống Emmanuel Macron ẩn ý rằng Pháp sẽ không ‘động một ngón tay nào’ để bảo vệ hòn đảo này. Khi thảo luận về Đài Loan, ông nói với Politico rằng “rủi ro lớn” đối với châu Âu là “bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.
Trên thực tế, hiếm có ai mong đợi quân đội châu Âu can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Đài Loan. Nhưng thái độ của các chính trị gia châu Âu như Macron rất quan trọng, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến tính toán của Trung Quốc về cái giá kinh tế và ngoại giao của một cuộc tấn công vào hòn đảo.
Chắc chắn, cuộc sống của các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu họ không phải lo nghĩ về số phận của Đài Loan. Nhưng vấn đề là: nếu Trung Quốc dùng vũ lực thôn tính hòn đảo, điều đó sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu sâu sắc, có thể nhanh chóng được cảm nhận ở Paris, cũng như Peoria.
Có ba lập luận chính để ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan. Đầu tiên là về tương lai của tự do chính trị trên thế giới. Thứ hai là về cán cân quyền lực toàn cầu. Thứ ba là về kinh tế thế giới. Ba nguyên nhân này cùng nhau tạo nên một lý do thuyết phục để giữ Đài Loan thoát khỏi nanh vuốt của Bắc Kinh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc lập luận rằng chế độ độc đảng là hệ thống hoàn hảo cho đất nước mình. Họ khăng khăng rằng Mỹ nên ngừng cố gắng thúc đẩy các giá trị tự do, dân chủ – vốn đang không hoạt động tốt ở phương Tây, và sẽ gây ra thảm họa cho một nền văn hóa mang tính cộng đồng như Trung Quốc. Nhưng Đài Loan, một xã hội phát triển thịnh vượng, là bằng chứng sống cho thấy văn hóa Trung Quốc hoàn toàn tương thích với dân chủ. Sự tồn tại của hòn đảo là bằng chứng cho một kịch bản thay thế, về cách mà chính Trung Quốc một ngày nào đó có thể được vận hành.
Bắc Kinh đã dập tắt khát vọng dân chủ ở Hong Kong. Nếu Tập Cận Bình được phép làm điều tương tự ở Đài Loan, chế độ chuyên chế sẽ bén rễ sâu tại các nước nói tiếng Trung. Và bởi Trung Quốc là siêu cường mới nổi của thế kỷ 21, điều đó dẫn đến những tác động chính trị ảm đạm đối với thế giới. Những người hoài nghi về việc Mỹ thúc đẩy các giá trị dân chủ lúc đó có lẽ sẽ còn hoài nghi hơn về sự bảo vệ của chế độ độc tài Trung Quốc.
Ý tưởng rằng một ngày nào đó Trung Quốc đại lục sẽ ủng hộ tự do chính trị vẫn còn là một viễn cảnh xa vời. Nhưng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện có một số nền dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia. Tất cả đều phụ thuộc, ở một mức độ nào đó, vào sự đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Nếu Trung Quốc đàn áp quyền tự trị của Đài Loan, bằng cách xâm lược hoặc dùng vũ lực buộc hòn đảo tham gia một liên minh chính trị bất đắc dĩ, thì quyền lực của Mỹ tại khu vực sẽ bị giáng một đòn nặng nề. Đối mặt với viễn cảnh về một bá quyền mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ phản ứng. Hầu hết sẽ chọn thích ứng với Bắc Kinh bằng cách thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại của họ. Mong muốn tránh làm mất lòng quốc gia bá quyền mới sẽ nhanh chóng hạn chế quyền tự do ngôn luận và hành động của các nước láng giềng của Trung Quốc.
Hệ lụy của sự thống trị của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng sẽ mang tính toàn cầu, vì khu vực này chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới và phần lớn tổng sản phẩm quốc nội. Nếu Trung Quốc thống trị khu vực, nước này sẽ thuận lợi trong việc thay thế Mỹ trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ý tưởng rằng châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển giao quyền lực toàn cầu đó quả là sai lầm. Giờ đây, hơn bao giờ hết, châu Âu đang phụ thuộc vào việc Mỹ sẵn lòng đối đầu với Nga, đồng minh chuyên chế của Trung Quốc.
Một số người có thể lập luận rằng những khái niệm trừu tượng như “bá quyền” không có ý nghĩa gì đối với dân thường. Nhưng nền kinh tế phát triển mạnh của Đài Loan có nghĩa là việc kiểm soát hòn đảo này sẽ nhanh chóng gây ra những tác động lớn đối với mức sống trên toàn thế giới.
Đài Loan hiện sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới và khoảng 90% chất bán dẫn loại cao cấp nhất. Các thiết bị trợ giúp cuộc sống hiện đại, từ điện thoại đến xe hơi và máy móc công nghiệp, đều đang chạy bằng chip Đài Loan. Nhưng các nhà máy sản xuất chúng có thể bị phá hủy bởi một cuộc xâm lược.
Nếu các nhà máy sản xuất chip của Đài Loan tồn tại nhưng rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc, hệ lụy kinh tế sẽ rất lớn. Việc kiểm soát các chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới sẽ giúp Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát nền kinh tế thế giới. Như người Mỹ đã nhận ra, việc tái tạo ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan khó hơn nhiều so với tưởng tượng.
Tất cả những vấn đề này – kinh tế, chiến lược, chính trị – tạo nên một lý do thuyết phục để Mỹ và các đồng minh phải bảo vệ Đài Loan. Không có người nào thực sự tỉnh táo lại muốn có một cuộc chiến xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng giờ đây, cũng như trong quá khứ, đôi khi chúng ta cần phải chuẩn bị cho chiến tranh – để gìn giữ hòa bình./.
Nguồn: “Why Taiwan matters to the world,” Financial Times, 10/04/2023