Philip Volkmann-Schluck (WELT)
Nguyễn Xuân Hoài lược dịch
Trung Quốc thấy thuận lợi vì Nga đang kiềm chế sức mạnh quân sự của châu Âu và Hoa Kỳ. Tại Bắc Kinh từ lâu đã có các dấu hiệu về một cuộc chiến tranh chống Đài Loan. Các chuyên gia về an ninh đã mô tả chi tiết về những gì sẽ xẩy ra trong vài tuần đầu tiên khi xẩy ra một cuộc tấn công. Phương Tây phải khẩn trương đưa ra quyết định ngay bây giờ.
Đại diện của châu Âu đã đến thăm Bắc Kinh với hy vọng thuyết phục được Chủ tịch Tập Cận Bình làm trung gian hòa giải. Để ông ta thuyết phục Nga rút khỏi Ukraine. Những lời kêu gọi của người đứng đầu EU Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hôm thứ năm không được chú ý nhiều.
Thậm chí có thể hữu ích cho Bắc Kinh khi Putin kiềm chế sức mạnh quân sự của châu Âu và Hoa Kỳ. Trung Quốc từ lâu đã tính đến một cuộc chiến cũng nhắm vào toàn bộ phương Tây, khi phát động một cuộc tấn công vào quốc gia láng giềng nhỏ hơn nhiều là Đài Loan.
Căng thẳng trong khu vực đã leo thang trong những tháng gần đây. Cách đây vài giờ, Bắc Kinh đã tuyên bố diễn tập quân sự gần hòn đảo này. Quân đội Trung Quốc tuyên bố về “cuộc tập trận chuẩn bị chiến đấu” sẽ được tổ chức từ thứ bẩy đến thứ hai tại eo biển Đài Loan, phía bắc và phía nam của hòn đảo, cũng như tại vùng biển và không phận phía đông Đài Loan.
Nếu Trung Quốc thực hiện những lời đe dọa của mình, ngày tấn công sẽ bắt đầu bằng tiếng còi báo động, tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine hơn một năm trước đây. Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào năm 2026. Hàng trăm tên lửa từ Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan, khoảng cách từ Trung Quốc đại lục đến các mục tiêu chỉ 177 km. Từ đây Trung Quốc có thể tiêu diệt phần lớn lực lượng Hải quân và Không quân của đối phương.
Hòn đảo này sẽ bị phong tỏa, mọi con đường tiếp tế sẽ bị cắt đứt. Sau đó, hàng chục nghìn binh sĩ sẽ vượt qua eo biển Đài Loan trên các phương tiện đổ bộ và bắt đầu cuộc tấn công trên bộ. Chỉ vài ngày sau, chính phủ dân chủ ở Đài Bắc và 24 triệu công dân của nó có thể phải đầu hàng nếu không có sự cứu trợ của nước ngoài.
Phương Tây đã không có sự chuẩn bị để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga ngày 24 tháng 2 năm 2022 . Theo nghiên cứu, “mô hình Ukraine”, tức là tăng dần các đợt chuyển giao vũ khí của quốc tế trong nhiều tháng, không thể là một lựa chọn cho Đài Loan. Đài Loan, do áp lực ngoại giao của Trung Quốc không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào, do đó nước này ngay từ đầu phải được trang bị vũ khí mạnh mẽ . Điều này chỉ xảy ra nếu Hoa Kỳ can thiệp ngay lập tức. Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã nhiều lần hứa sẽ hỗ trợ Đài Loan.
Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc có các nguồn lực quân sự cần thiết để tấn công Đài Loan vào năm 2026. Ông này cũng hung hăng như Putin đối với Ukraine. Ông tuyên bố muốn sáp nhập Đài Loan một cách hòa bình, nhưng bảo lưu quyền thực hiện tất cả “các biện pháp cần thiết”.
Trước hết phải trang bị cho Đài Loan các hệ thống tên lửa có thể đẩy lùi đợt tấn công bằng tên lửa đầu tiên của Trung Quốc, tiêu diệt các phương tiện đổ bộ cũng như tầu chiến của đối phương.
Thứ hai, các đơn vị Mỹ đóng ở Thái Bình Dương phải tham chiến ngay lập tức và chấp nhận thương vong nặng nề. Theo trò chơi lập kế hoạch, sẽ có tới 3.000 binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng trong trận chiến phòng thủ kéo dài ba tuần đầu tiên, đây sẽ là sự can thiệp tốn kém nhất của Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ngoài ra, Quân đội Hoa Kỳ sẽ mất khoảng 20 tàu chiến, hai tàu sân bay và 400 máy bay.
Quân đổ bộ Trung Quốc sẽ tấn công lên các bãi biển ở phía nam hòn đảo. Đây là điểm yếu nhất về quốc phòng, hầu hết xe tăng đóng quân ở phía bắc xung quanh thủ đô Đài Bắc. Sau đó phụ thuộc vào sức mạnh chiến đấu và tinh thần của lực lượng bộ binh Đài Loan. Quân đội Đài Loan phải ngăn chặn bọn xâm lược không xâm chiếm và thiết lập đội hình trên bãi biển. Để so sánh: Trong cuộc diễn tập đổ bộ của quân Đồng minh vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 tại Normandy, 90.000 binh sĩ đã lên bờ trong ngày đầu tiên. Theo các chuyên gia an ninh, Trung Quốc sẽ chỉ có thể đưa tối đa 8.000 binh sĩ mỗi ngày lên đảo.
Ở những vị trí không thể giữ được, lực lượng phòng thủ rút vào nội địa, vùng đồi núi với vũ khí cầm tay như bệ phóng tên lửa. Tại đây sẽ diễn ra các trận chiến đẫm máu, tương tự như các trận giáp lá cà trong các thành phố. Trung Quốc cũng có khả năng ném bom phá hủy cơ sở hạ tầng của Đài Loan, cố gắng chiếm các sân bay quan trọng bằng lực lượng lính dù. Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc thực sự chuẩn bị tốt như thế nào cho hoạt động phức tạp này. Quân Đồng minh đã chuẩn bị và thực hành “D-Day” ở Normandy chống lại Đức Quốc xã vào năm 1944 trong vài năm.
Một điều kiện không thể thiếu nữa là: Nhật Bản phải giành các căn cứ quân sự của mình cho Hoa Kỳ, do đó trở thành một bên tham gia cuộc chiến. “Nhật Bản là trụ cột,” các tác giả nhấn mạnh. Một mình Mỹ khó đảm đương được cuộc chiến này, căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam lại quá xa.
Các nước còn lại ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ giữ thái độ trung lập, bởi họ bị lệ thuộc vào Trung Quốc vì kinh tế. Úc và Hàn Quốc sau đó mới phát huy vai trò của mình, tức kiềm chế Trung Quốc khi nước này lâm vào tình thế thất bại trong cuộc chiến với Đài Loan.
“Đạo luật tăng cường khả năng phục hồi của Đài Loan” cho thấy Washington nhận thức được mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến tranh có thể xảy ra này. Tháng 12, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định phân bổ 10 tỷ đô la cho vấn đề quốc phòng của Đài Loan. Cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa Harpoon, đồng thời đưa 200 lính Mỹ đến đây để giúp Đài Loan huấn luyện chiến đấu. Tokyo cũng cho thấy họ sẽ sát cánh với Đài Loan. Quốc gia có 50.000 lính Mỹ đóng quân thường trực này đang đối mặt với sự nguy hiểm. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku ở phía nam Nhật Bản, chỉ cách bờ biển Đài Loan 150 km. Ngay từ mùa hè năm 2021, Phó Thủ tướng khi đó là Taro Aso đã tuyên bố quyết bảo vệ Đài Loan khi “sự sống còn” của hòn đảo này bị đe dọa.
Nhật Bản đang nỗ lực buộc châu Âu phải có trách nhiệm. Thủ tướng Fumio Kishida nói: “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai. Tokyo đã cung cấp hàng cứu trợ tới Ukraine và cả viện trợ tài chính cho quốc gia tiền tuyến Ba Lan. Ngược lại, người Nhật cũng trông đợi vào một sự đáp trả. Ben Schreer, lãnh đạo văn phòng Berlin của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng Châu Âu có thể can thiệp quân sự trực tiếp vào Đài Loan, cũng như mối đe dọa từ Nga, tuy nhiên đây “rất có thể là một bước đi quá xa”.
Tuy nhiên, châu Âu có các công cụ để áp đặt “chi phí chiến lược” đối với Trung Quốc. Các thành viên NATO ở châu Âu có thể hỗ trợ Mỹ chuyển các nguồn lực của mình sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách “lấp đầy” sự hiện diện hiện nay của Mỹ ở châu Âu. Theo Schreer, cũng có thể hình dung việc NATO hỗ trợ một cách gián tiếp bằng cách góp phần phong tỏa hải quân đối với “các tuyến đường giao thông thương mại quan trọng” của Trung Quốc ở nam Ấn Độ Dương. Trung Quốc phải tập trung vào việc chống lại các lực lượng Đài Loan và các đồng minh của hòn đảo này ở bên kia eo biển, nên Trung Quốc sẽ có rất ít cơ hội đánh trả ở khu vực này.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, bà von der Leyen đã cảnh báo về một cuộc tấn công vào Đài Loan. Von der Leyen nói: “Không bên nào nên đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực này bằng bạo lực. Ngoài lời nói người ta không thấy các hành động thực tế của Châu Âu dành cho Đài Loan. Rốt cuộc thì Pháp đang cung cấp các hệ thống tên lửa hiện đại. Ngược lại, Đài Bắc đã yêu cầu Berlin cung cấp tàu ngầm hiện đại trong nhiều năm nhưng Đức không đáp ứng. Vương quốc Anh cũng không bán vũ khí cho Đài Loan kể từ năm 2000. Vào mùa hè năm 2022, Thủ tướng Liz Truss đã tuyên bố sẽ thay đổi điều đó. Nhưng các chuyên gia quốc phòng Anh nhanh chóng cho thấy điều này phải mất “vài năm” mới thực hiện được vì hiện nay Anh phải lấp đầy kho dự trữ vũ khí sau khi đã viện trợ cho Ukraine .
Ngay cả khi Trung Quốc thất bại trong cuộc tấn công này thì đó vẫn là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng lâu dài. Quân đội Hoa Kỳ sẽ bị suy yếu trong nhiều năm vì những tổn thất nặng nề. Các thế lực khác như Iran hay Triều Tiên, có thể tận dụng cơ hội này. Ngoài ra, bản đồ thế giới thậm chí còn bị chia cắt nhiều hơn thành các khối ủng hộ hoặc chống lại Trung Quốc. Phương Tây sẽ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ. Do đó, các tác giả của nghiên cứu CSIS cho rằng cuộc đấu tranh vì Đài Loan là trước hết là: “Đòn đánh đầu tiên của một cuộc chiến tranh mới”./.