Trang thông tin của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An liệt kê danh mục 6 bảo tàng:
1) Bảo tàng Lịch sử Văn hóa (10B Trần Hưng Đạo),
2) Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch (80 Trần Phú),
3) Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh (149 Trần Phú),
4) Bảo tàng Văn hóa Dân gian (33 Nguyễn Thái Học),
5) Nhà Lưu niệm Cao Hồng Lãnh (129 Trần Phú),
6) Phòng Truyền thống cách mạng (10B Trần Hưng Đạo).
Ở Hội An mấy ngày, tôi cố gắng vào một số địa chỉ trên. Mặc dù khách du lịch rất đông, nhưng chủ yếu người ta đi dạo bộ ngắm nhìn phố đèn lồng, mua đồ lưu niệm và ngồi ăn uống ở các quán dọc hai bên bờ sông. Khi tôi mua vé vào một số bảo tàng, chỉ thấy bên trong một vài nhân viên ngồi… ngáp ruồi. Một bảo tàng đáng xem nhất như Bảo tàng Văn hóa dân gian, ở đó có những hiện vật nơi khác không có, thì lại không có một du khách nào!
Đó là thời điểm Hội An không bán vé vào phố. Nay nếu lập BOT thu tiền vào phố, cộng thêm số tiền vé thu ngay tại các bảo tàng trên, tôi dám chắc du khách sẽ quay lưng và có lẽ nhân viên bảo tàng chỉ biết… ngủ suốt ngày!
Mà không chỉ nhân viên bảo tàng, những người bán hàng nơi phố cổ cũng suốt ngày… ngáp ruồi!
Tình trạng ngáp ruồi ở nhiều khu du lịch trên đất nước này là có thật. Đó là những nơi lẽ ra không nên bán vé thì người ta lại tổ chức bán vé. Chẳng hạn, các ngôi chùa cổ kính, các bãi biển tự nhiên, các đền tháp xa xôi,… lẽ ra chỉ thu tiền một gói theo tua thì người ta lại bạ đâu thu đó. Du khách ghét nên chẳng thèm vào.
Một khu vực nào đó, tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, họ có quyền thu tiền vé, coi như kinh doanh. Đằng này, thiên nhiên là của đất nước được nhân dân bảo vệ bằng xương máu, di sản là của cha ông tạo ra, lẽ ra nhân dân được hưởng (như Cambot chẳng hạn), thì người ta cứ tận thu như là của riêng mình. Nhiều khu di sản thiên nhiên và lịch sử, người ta chỉ cần tri trét vào đó màu mè như trẻ con phá hoại là có thể thu tiền. Đó là lý do du khách người Việt chán ghét ngay chính cái đất nước và sản phẩm của cha ông mình.
Nhớ cách đây mươi năm, một giáo sư ở Hà Nội nhờ tôi dẫn đi thắp hương mộ Hàn Mặc Tử. Khi đến cổng phải mua vé, vị giáo sư trố mắt: “Thắp hương cho mộ một nhà thơ mà phải mua vé sao?” Khi leo lên đến mộ, gặp người giữ mộ tóc tai bờm xờm đang ngáp ruồi, tay đưa bó nhang và đòi lấy tiền nhang, giáo sư hỏi: “Không có ai được phép vào đây mà vẫn cần người giữ mộ sao?” Tôi bật cười: “Có ma nào ở đây phá phách mà giữ? Anh ấy ngủ suốt ngày chứ biết gì mà giữ mộ?”
Hôm sau Tết, cả nhà tôi đi thành Hoàng Đế, bèn ghé qua Tháp Cánh Tiên. Tháp này tôi đi mấy lần vào cái thời còn hoang dã. Nay thấy một hàng rào bao quanh, không biết làm từ bao giờ nay đã rệu rã, có đoạn đang đổ nát. Mà cái tường rào bằng sắt, sơn xanh lè, chẳng ăn nhập gì với tháp cổ. Trông giống như cái Tháp và Thần linh bị nhốt trong một cái chuồng. Cổng đóng, có quầy thu tiền vé nhưng không có ai trực. Chờ mãi thì có một ông già khoảng 70 lóc cóc chiếc xe đạp đến thu tiền vé và mở cổng. Tháp vắng như chùa bà Banh. Không biết một tháng thu được bao nhiêu để nuôi cái ông lão ấy? Chắc chắn không phải dùng tiền vé để trùng tu, bởi ngoài cái tường rào thú kia, toàn bộ sự trùng tu là do Cộng hòa liên bang Đức tài trợ và cả thi công.
Vào bên trong tường rào, leo lên chân tháp và đi quanh tháp, tôi quan sát thấy rác rưởi, chai lọ ngổn ngang. Chắc chắn không phải khách du lịch, vì tôi hình dung chẳng có ma nào đến. Các chai lọ ngổn ngang ấy chỉ có thể là sản phẩm của quân đánh bạc và bợm nhậu ở địa phương.
Ấy đấy, làm du lịch mà bạ đâu thu tiền đó thì chỉ có ngáp ruồi và ăn cám! Sang Cambot mà học cách làm du lịch của họ. Họ bảo tồn di sản một cách bài bản, cái gì cần thu và cái gì không cần thu. Điều quan trọng là quảng bá di sản, thu tiền khách nước ngoài, không thu tiền dân. Tổ chức du lịch là để tạo công ăn việc làm cho dân, đó mới là nguồn lợi đích thực. Adam Smith nói, một quốc gia mà chỉ nghĩ thu tiền dân, dù là tiền thuế để phát triển kinh tế, thì chẳng khác ngồi trong chậu tự nắm tóc mình kéo lên!
Chu Mộng Long