Báo Tuổi Trẻ bữa ni 26.3 có bài về ngôi nhà bị giải tỏa ở quận Tân Phú (TP.HCM) nhưng suốt 10 năm không giải tỏa được.
Nhiều báo thời gian rồi cũng nêu trường hợp một ngôi nhà ở huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) nằm hẳn ra hơn nửa mặt đường nhưng tới gần 2 chục năm không giải tỏa được.
Không giải tỏa được nhưng họ lại cứ đổ cho dân (tham lam, ích kỷ) mà không nghĩ nguyên nhân khác.
Ở nước này, khi Luật Đất đai còn trắng trợn áp đặt “quyền sở hữu toàn dân”, chính quyền có thể tước đoạt đất đai nhà cửa của người dân bất cứ lúc nào theo cái giá đền bù mà họ quy định thì sẽ còn nhiều khiếu kiện, tranh chấp, oan sai, còn đầy bi hài kịch về đền bù giải tỏa.
Dù có kéo dài tình trạng “ở lì” để giữ đất đai nhà cửa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, dẫu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, thì dân vẫn cứ thua, bởi họ không đấu nổi sức mạnh bạo quyền.
Thử hỏi, các ông các bà đang yên lành, yên ổn, an cư, tự dưng người ta bắt chuyển đi nơi khác, có ai muốn chuyển không? Trăm phần trăm là không.
Muốn dân chuyển đi chỗ khác để chính quyền thực hiện điều này nọ, vấn đề tiên quyết là phải đảm bảo quyền lợi đền đáp sự hy sinh của dân, ngay cả trong trường hợp giải tỏa thực hiện cho những mục đích quốc phòng an ninh, xây dựng hạ tầng công ích. Thu hồi đất để giao cho nhà giàu thực hiện dự án, lại càng phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng, thậm chí có vẻ không chính đáng, của người bị thiệt thòi trong cuộc xáo trộn.
Lấy ví dụ, đang ở dưới đất, mặt tiền, làm ăn buôn bán kiếm được đồng ra đồng vào nuôi cả gia đình, bị nhà nước bắt lên tít tầng cao, “mặt tiền treo”, dù căn hộ hiện đại sang trọng nhưng chỉ là chỗ chui ra chui vào, tận cùng khánh kiệt, chặn hết đường mưu sinh, thì chả khác gì dân bị đẩy vào cuộc sống mòn không lối thoát. Buồn là có không ít cán bộ hoặc người có đầu óc vẫn cho như thế là phù hợp, đòi dân phải cảm ơn đảng và chính phủ.
Nhà nước đừng tưởng cứ áp đền bù theo bảng giá rồi xoa tay xong. Cách ấy chứa đầy bất ổn và vô đạo đức.
Chưa thấy vụ nào trong hàng nghìn hàng vạn vụ, nhà cai trị chịu thiệt thòi một chút, để dân được lợi được hơn một chút, mà tinh kiểu đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, “còn 14 miếng tất cả, hễ mất miếng nào thì chết với bà”.
Chính Luật Đất đai hiện hành vốn nhiều bất công phi lý cũng còn quy định phải làm sao cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tôi nhớ cách nay hơn chục năm, ông Trương Tấn Sang khi còn đóng chức chủ tịch nước cũng nhấn mạnh như vậy.
Nhưng luật và lời ông Sang là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác, có khi vênh hẳn nhau.
Chính quyền huyện Đông triều (Quảng Ninh) và quận Tân Phú (TP.HCM) nếu thấm tinh thần của Luật Đất đai hoặc lời ông Sang thì đâu đến nỗi cuộc co kéo lằng nhằng tới 10 năm, 20 năm, khổ cả dân, khó cho nhà nước.
Nhà nước mà chỉ nhăm nhăm thu hồi đất của dân, thắng dân, không quan tâm tới quyền lợi của dân, dẫu 1 năm hay trăm năm cũng chỉ thu được đất chứ không bao giờ thu được lòng dân.
Bàn tới bàn lui, góp ý góp iếc, điều quan trọng nhất thì lại không bàn. Rõ chán.