Thời gian này là thời điểm khủng hoảng về bất động sản. Giao dịch gần như đóng băng. Do vậy, nhiều người thực sự cần bán đất hay nhà, sẽ rất khó khăn, và thường phải rao bán với giá thấp.
Trên trang facebook, rất nhiều trang rao bán bất động sản với giá rất rẻ so với giá thị trường. Nhiều trang còn thẳng thắn từ chối các cò. Có trang còn ghi “Đỡ tránh mất thời gian của nhau em xin gửi thông tin sổ hồng, cũng như vị trí đất qua cho Anh Chị Tham Khảo trước, Nếu thấy phù hợp thì mình đi xem”.
Những trang này còn được thiết kế cực kì nhạy với những cái chạm. Nhiều khi chỉ quẹt cho nó lướt qua, hoặc cầm điện thoại lơ đễnh lỡ chạm vô nó, là nó nhảy ra nhắn tin với những mẩu tin soạn sẵn. Lỡ mà chạm vô chỗ nào là nó sẽ quấy rầy suốt.
Nếu có lỡ (hay chủ ý) nhắn tin, thì họ sẽ đòi số điện thoại để tư vấn. Lỡ cho số điện thoại thì chỉ thấy cò gọi giới thiệu chỗ này chỗ kia, còn cái bất động sản đăng lên thì họ “quên”. Còn không cho số điện thoại, thì dù là đang xài messenger, thì vẫn không thể chuyển sổ cho coi như hứa hẹn.
Một kiểu lừa khác, là liên tục các số điện thoại có đầu số 024 gọi vô điện thoại. Tuy nhiên, họ chỉ gọi nhá máy. Sau 1, 2 hồi chuông là tắt bụp. Bạn mà lỡ chạm vô đó, thì nhà mạng sẽ kết nối ngay, theo kiểu là bạn gọi cho họ. Và đầu dây bên kia, sẽ là một cuộn băng ghi âm được mở ra với một cái giọng vô hồn (hay cô hồn), thường là quảng cáo nhà đất.
Lại còn kiểu nhắn tin hay gọi điện đe dọa là có án hay có kiện tụng, hoặc vi phạm giao thông… phải chuyển tiền để giải quyết. Những trò này thì ở góc độ người dân sẽ không thể biết ai lừa đảo, nhưng chắc chắn là chẳng khó khăn gì đối với các cơ quan chức năng. Cũng có thể là các nhà mạng điện thoại có dự phần. Chứ số bàn thì họ tìm ra mấy hồi, và chặn nó thì quá dễ dàng.
Nhiều người nói đến việc bị lừa theo kiểu gọi điện thoại đến báo, rằng con phải cấp cứu ở bệnh viện, yêu cầu cha mẹ các cháu chuyển tiền gấp để chữa bệnh. Việc này có muốn truy cứu thì cũng đâu có khó. Không biết các cơ quan chức năng có làm gì để ngăn chặn không, nhưng gần như chẳng thấy có động tĩnh gì. Và chuyện lừa đảo qua mạng, bằng điện thoại vẫn cứ tiếp diễn.
Một vụ lừa khá tầm cỡ, là việc mấy cô tiếp viên hàng không của VNA mang hơn chục kí ma túy bị bắt, có hình chụp hẳn hòi, và nhiều bài viết đăng trên báo chính thống, còn ghi cả số lượng và tên loại ma túy. Vậy mà chỉ sau ít hôm, cả 4 cô đều được công an thả ra. Vậy ra báo chí và truyền thông… đùa. Chứ mấy cổ mà mang bấy nhiêu ma túy thì chỉ có rục xương trong tù hoặc lên ghế điện, chứ luật pháp của cái đất nước lúc nào cũng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật đâu có cho phép thả ra như vậy.
Hoặc giả các cô này là đặc tình của cơ quan chống ma túy quốc gia được cài vô tổ chức mafia nào đó chuyên buôn bán ma túy. Người ta cố tình tung lên như là các cô ấy vận chuyển ma túy để lấy 10 triệu đồng, để có chuyện đăng báo. Báo chí bây giờ chẳng biết có phải vì câu like câu view mà đăng tin tầm bậy tầm bạ.
Sống ở cái xứ lừa này thật là chẳng biết đâu là thật, đâu là giả, chẳng biết tin ai.