1) Nếu (nếu…) Viện Hán Nôm bị mất sách đến mức này, bao gồm cả việc mất sách vì để sách nát, mục, thì đây là một sự kiện lịch sử.
2) Việt Nam trong lịch sử có 3 lần quy tập sách cổ.
Lần 1 là thời vua Lê Thánh Tông (quy tập sau khi bị giặc Minh đốt hết), lần 2 là vua Minh Mạng (quy tập để xây dựng nhận thức chung về một nước Việt Nam thống nhất, mở rộng cả sang Lào và Campuchia, sau khoảng 200 năm chia cắt), lần 3 là Viện Viễn Đông Bác Cổ của thực dân Pháp.
3) Việt Nam cũng có 3 lần mất sách cổ ở quy mô lớn.
Lần 1 là nhà Minh cướp phá, thế kỉ 15. Chủ nhiệm đề tài này là Trương Phụ. Không rõ chi phí cho khâu “chạy đề tài”.
Lần hai là năm 1946, dịp “Toàn quốc Kháng chiến”, tháng 12. Lúc đó ông Ngô Đình Nhu, Giám đốc Nha lưu trữ Quốc gia của VNDCCH, đã kịp chuyển tư liệu cổ về kho Đà Lạt trước khi chiến sự nổ ra ở Hà Nội 19/12. Ngày nay, kho sách này nằm trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt (Trước 1975 tòa nhà được dân gian gọi là biệt điện Trần Lệ Xuân).
Nhưng kho sách cá nhân của một số học giả hàng đầu đã được đóng thùng gỗ nhưng chủ nhân không kịp chuyển đi, bị nhân dân anh hùng chất lên chiến lũy đánh nhau với Pháp. Lần mất sách này có thể đổ lỗi cho Pháp.
Lần 3… hôm nay, tác giả là các lãnh đạo Viện Hán Nôm. Ngoài số sách bị mất, chứng tỏ trong dân gian có người yêu Hán Nôm, kinh hoàng nhất là số sách bị mục nát.
4) Người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam luận giải về tầm quan trọng của việc lưu trữ tư liệu đối với việc kiến quốc và bảo vệ chủ quyền dân tộc là ông Ngô Đình Nhu. Ông cũng là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam đi Pháp học về cái ngành “khô khan” ấy. Và cuốn sách “Chính đề Việt Nam” (Sài Gòn, 1965) lặp lại tất cả thông điệp ấy.
“Chính đề Việt Nam” là cuốn sách đầu tiên luận giải về vai trò của ngành lưu trữ đối với việc lưu truyền tri thức và kinh nghiệm quản trị từ đời này sang đời khác, để phục vụ cho sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ nền độc lập. Việt Nam là một nước có truyền thống đặc biệt là triều đại sau không bao giờ kế thừa di sản của triều đại trước mà phá sạch. Thậm chí, ngay trong một triều đại thì thế hệ sau cũng không kế thừa di sản của thế hệ trước.
Trên thế giới có môn học gọi là Knowledge management, ra đời chính thức năm 1991, nghiên cứu về các phương pháp chia sẻ, sử dụng và quản lý tri thức và thông tin của một tổ chức. Những luận giải trong “Chính đề Việt Nam” về Lưu trữ học nói không khác những nguyên lý cơ bản của môn này là mấy. (Tất nhiên Knowledge management ngày nay đã đi rất xa, nhiều trường ở Mỹ có chương trình thạc sỹ Knowledge management.)
5) Hôm trước thấy nói mất 25 cuốn, giờ tự nhiên thấy “mất thêm” 110 cuốn, chưa kể số mục nát là 877 quyển. Tổng cộng 25+110+877 = 1012 quyển?
Tướng giặc Trương Phụ nhà Minh dưới địa ngục khóc với cụ tổ: Con xin gọi Viện Hán Nôm là cụ tổ. Cụ sai con cướp sách của chúng nó làm gì. Bây giờ chúng nó đời đời chửi ta thâm độc. Trong khi đó nhờ con cướp sách mang về nên bây giờ chúng nó có thể sang ta đọc lại sách cũ của tổ tiên chúng nó hoặc đọc online trên mấy thư viện đại học của ta. Hồi đó cụ cứ để cho Viện Hán Nôm chúng nó giữ, sách sẽ mục nát hết, mình đỡ mang tiếng./.