Lâm Công Tử (SGN)
Hổm rày lo theo dõi vụ Putin bị tòa ICC ra lệnh bắt giữ – nếu thấy y xuất hiện bất cứ nơi nào ngoại trừ Nga – thiệt là đã. Tin này đè lên một tin khác mà theo tui quan trọng hơn nhiều, nó ảnh hưởng tới toàn dân Việt Nam chứ không chơi. Thứ nhất nó liên quan mật thiết tới quyền lợi của người dân, thứ hai nó nói lên mặt trái mà từ bấy lâu nay nhà nước cố tô vẽ cho đẹp đẽ nhưng bây giờ không hiểu sao họ lật bài luôn cho nhân dân biết đừng có mà mơ!
Đó là vụ Quốc hội yêu cầu người dân đóng góp ý kiến về Luật Đất Đai (sửa đổi) năm 2023. Nghe được góp ý nhiều người gửi thư yêu cầu xem xét cho trường hợp bị Nhà nước lợi dụng lấy đất của họ rồi bán cho doanh nghiệp còn số phận người dân mất đất kể như không ai dòm ngó tới. Có người yêu cầu giao cho người dân quyền sở hữu miếng đất mà họ đang sinh sống. Có người lên thẳng mạng xã hội yêu cầu bỏ hẳn luật đất đai hiện tại chứ không cần phải sửa đổi gì ráo, bởi đây là luật vi hiến, nó không vì lợi ích toàn dân mà chỉ vì lợi ích của Đảng. Câu chữ trong cái luật này vừa sai vừa ngụy biện, cố đạp lên Hiến pháp mà dành lấy cái quyền sở hữu đáng lẽ phải là của nhân dân, người trực tiếp bỏ công hay tiền ra khai phá hay mua lại miếng đất ấy.
Câu chữ “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” dụng ý của mệnh đề này đất đai là một loại tài sản nhưng người trực tiếp liên quan đến nó không có quyền sở hữu vì toàn dân cùng sở hữu và trong vai trò Nhà nước việc quản lý là tất nhiên, Nhà nước không thể để cho đất đai bị quản lý lung tung do đó đối đế lắm Nhà nước mới ra tay… làm giúp.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Theo Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và hiện nay là Luật Đất đai năm 2013, người dân chỉ có quyền sử dụng đất, còn quyền định đoạt đất đai, tức quyền quyết định số phận pháp lý của đất đai thì chỉ có Nhà nước mới có tư cách thực hiện. Đền bù bao nhiêu cũng do Nhà nước quyết định
Đây mới thật là ý Đảng. Đất đai không được vuột khỏi tay guồng máy cầm quyền. Có quản lý được đất đai thì quyền lợi của cán bộ trên dưới mới được no ấm và sân sau của các “trụ” mới có cơ hội làm mưa làm gió. Cách phân phối những khu đất vàng cho các tập đoàn bất động sản đã chứng minh sự bất minh của chính quyền các cấp. Cơ hội làm giàu cho cả hai phía, tập đoàn bất động sản và cán bộ trực tiếp quyết định pháp lý chia phần với nhau, bất kể hậu quả gây ra từ những chia chát có tính hệ thống này. Nếu tính trên cả nước trong gần ba chục năm qua tiếng kêu than không lên tới trời xanh thì cũng ngang tầm với tòa nhà cao nhất Việt Nam rồi.
Hầu như các nước tư bản trên thế giới đều có chính sách đất đai tương tự nhau, giao cho người dân làm chủ tự quản lý và đóng thuế theo bổn phận của mình. Nếu bán cho người nước ngoài thì mảnh đất ấy cũng đóng thuế như người bản xứ miễn là thủ tục phải giấy trắng mực đen, người mua phải hợp pháp trong vấn đề định cư và tiền thuế có thể khác với công dân nước họ. Cách làm này khiến họ không bao giờ có dân oan khiếu kiện đất đai cũng không có cán bộ nhân viên nào đi tù vì tham nhũng đất. Chính phủ xem đất đai là tài sản của người đứng tên và họ toàn quyền sang nhượng, cho thuê, hợp đồng làm ăn hay bất dưới bất cứ hình thức nào nếu họ thấy có lợi. Cái lợi mà chính phủ có được là tiền thuế đất và sự luân chuyển của lợi nhuận góp phần làm cho thị trường đất đai phong phú mà không tốn kém gì để nó phát triển.
Việt Nam thì làm ngược lại cái định luật mà hầu hết các nước dân chủ đã làm. Nhà nước có tiếng là quản lý đất nhưng người cầm cái dấu tròn đóng vào tờ giấy quyết định lại là cán bộ nhân viên của từng địa phương. Tại đây mỗi một chủ tịch là một ông trời con toàn quyền phân phối đất cho những tập đoàn nào biết khai thác và biết điều. Người dân có hai chọn lựa, thứ nhất cầm một mớ tiền rồi kiếm cách làm ăn, nếu không đồng ý với việc bồi thường thì cứ tự nhiên ra Hà Nội mà cầm bảng dân oan kêu gào hết ngày này tới tháng khác.
Cả một khu vực Thủ Thiêm cho thấy sự độc đoán của UBND thành phố lên tới mức nào. Dân oan tới nay vẫn còn tiếp tục kêu gào và nhà nước cứ tiếp tục im lặng. Chính sách đất đai nào phù hợp và công bằng cho người dân Thủ Thiêm không thấy chính quyền thành phố nói tới chỉ thấy lâu lâu họp dân, hứa hẹn và… bỏ chạy.
Bằng ấy thứ nếu góp ý cho Quốc hội thì gây ra sự vỡ trận không tránh khỏi. Góp ý vì muốn tìm sự công bằng trong việc sử dụng đất chứ không phải vẽ rắn thêm chân như Quốc hội muốn. Mối lo tiềm ẩn trong vụ góp ý này là có quá nhiều kiến nghị đòi hủy bỏ hẳn Luật Đất đai phản động hiện nay để trở về tình trạng nguyên thủy khi mà đảng Cộng sản chưa nắm được chính quyền. Biết được điều này có thể xảy ra nên ông Chủ tịch Quốc hội Trương Đình Huệ đã lên tiếng thẳng thừng: “Góp ý luật Đất đai trái chủ trương của Đảng, Hiến pháp thì không tiếp thu”.
Như vậy người dân sẽ góp ý thế nào đây? Không ai thừa thời gian góp những ý kiến trái với nguyện vọng của mình. Cũng không ai chấp nhận tự lừa dối mình khi góp những ý kiến chung chung cho vừa lòng nhà nước bởi chính họ chưa chắc đọc nguyên văn bản Luật Đất đai mà hiểu tận ngọn ngành, câu chữ.
“Không tiếp thu” theo cách mà ông Chủ tịch Quốc hội nói có phải là vi phạm điều 331 vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…” Rõ ràng Luật Đất đai hiện nay là lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tập đoàn bất động sản và lợi ích hợp pháp của cán bộ trên dưới khắp nước.
Không biết hiện nay khắp đất nước có bao nhiêu tập đoàn, công ty sở hữu đất đai một cách hợp pháp. Chỉ cần một cái tên Vinhomes là đủ cả nước choáng ngợp vì tính chất chiếm hữu của nó.
Tổng số quỹ đất toàn quốc của nó hiện nay là 170 triệu m2, trong đó có 130 triệu m2 là khu BĐS đô thị và 38 triệu m2 là BĐS công nghiệp. Quỹ đất của Vinhomes lớn gấp 10 lần quỹ đất của đơn vị đứng thứ hai là Novaland. Theo tin từ Reuters cho biết Capitaland của Singapore đang đàm phán với Vinhomes để mua một phần dự án của tập đoàn này trị giá $1,5 tỷ.
Nếu là nước dân chủ, chính phủ sẽ ung dung thò tay lấy thuế trước bạ và người dân được nhờ vào đồng tiền thuế ấy nhưng Việt Nam thì không. Bởi không cần đóng thuế cả hai bên mua và bán cũng được hợp thức hóa và cùng có lợi như nhau chỉ cần lót tay đúng chỗ, đúng thời điểm là êm ái đường ai nấy bước, tiền ai nấy giữ.
Vậy đấy, khi Đảng đã quyết thì đừng hỏi dân làm gì cho thêm phần bức xúc./.