Đó là kết luận của tôi sau khi tìm hiểu về “làng biển đẹp nhất Việt Nam” này. Theo người dân trong làng, Lộ Diêu là thôn giàu nhất trong 11 thôn của xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Ở đây có nhiều biệt thự tiền tỉ, khang trang và hiện đại, hòa mình trong tổng thể thiên nhiên đẹp đến nao lòng.
Lộ Diêu không chỉ có 5km bờ biển với cảnh quan tuyệt mỹ, mà còn có núi đồi, đồng lúa… Người dân trong thôn không chỉ sống bằng nghề biển mà còn trồng rừng, cấy lúa. Lúa ở đây dư thừa lương thực cho làng. Rừng gỗ trồng được thu hoạch theo chu kỳ, mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân.
Lộ Diêu có khoảng hơn chục nhà nuôi yến lớn, bên cạnh những cánh đồng bát ngát hương lúa. Nhớ câu “Tảo đạo hoa hương giải chính phì – Lúa sớm tỏa hương, cua béo ngậy” của Nguyễn Trung Ngạn trong bài “Hứng trở về”.
Theo lời một người dân địa phương, hải sản Lộ Diêu không chỉ giàu có mà còn ngon nổi tiếng; ngon tới nỗi nhiều địa phương khác trong huyện trong tỉnh đã mượn tiếng “cá Lộ Diêu” để lừa khách mua, vì thương hiệu nức danh của đồ biển nơi này.
Du lịch cũng là một nguồn thu của người dân Lộ Diêu. Những ngày lễ tết, khách đến tham quan, chụp hình và trải nghiệm đông nghịt bãi biển. Trong thôn có dịch vụ phòng nghỉ, có homestay cho khách ở lại; những ngày thường vẫn có khách Tây khách ta ghé Lộ Diêu thăm thú.
Lộ Diệu không chỉ đẹp mà còn giàu. Hơn thế, môi trường Lộ Diệu trong lành, thanh sạch như một miền cổ tích.
Hôm rồi, sau khi tôi đăng tải bài viết nói về dự án nhà máy gang thép sẽ đặt ở Lộ Diêu, một bạn có nick Mai Quynh vào bình luận: “Để hoài không thấy phát triển được gì, từ làng nghề cho tới kinh doanh du lịch đặc trưng vùng miền, mà cứ “đụng” tới thì làng biển, vịnh, thung lũng blah blah đang đứng trước nguy cơ “biến mất vĩnh viễn do chấp nhận dự án đầu tư”?! Tôi không hiểu, theo những người đang nhân danh “phát triển” thì một Lộ Diêu đang thanh bình, giàu có như thế này thì phải gọi là gì, nếu không phải là một hình ảnh lý tưởng về nông thôn?
Hay theo những người này, “phát triển” phải là như cái gọi là “nông thôn mới” nham nhở, ô nhiễm và đóng cửa đi từ sáng tới tối để vào nhà máy xí nghiệp ngồi, kiếm cho được mấy đồng tiền lương còm cõi sống lắt lay qua ngày?
Một Lộ Diêu đang giàu có, giàu có về tôm cá, lương thực, cây rừng; giàu có về cảnh quan và tiềm năng du lịch; giàu có về đời sống bình yên hạnh phúc…, như thế há chẳng đáng giữ gìn sao? Còn bao nhiêu làng quê trên đất Việt có được cuộc sống như Lộ Diêu? Có lẽ khó mà tìm thấy một vùng non nước thanh tú và trù phú như thế này nữa trên dải đất hình chữ S.
Nam Ô – làng biển nức tiếng xứ Quảng, ngày tôi đến cách đây vài năm, đã chỉ còn trong ký ức tiếc nuối, xót xa, sau một chữ ký trên tờ giấy mỏng. Có lẽ nếu không có sự nhìn lại để bảo vệ, thì Lộ Diêu rồi đây cũng là những Nam Ô, vĩnh viễn mất đi trên đất Việt thân yêu.
Cũng trong bài thơ tứ tuyệt Hứng trở về, Nguyễn Trung Ngạn có kết bằng một câu khiến người bừng tỉnh: Giang Nam tuy lạc bất như quy – Đất Giang Nam tuy vui cũng chẳng bằng về nhà. Về nhà, người dân dù sống nơi phồn hoa vẫn một lòng gửi nỗi nhớ về làng cũ. Đau tiếc thay, những quyết sách vội vàng đã và đang đẩy không không ít người dân ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Thay vì “trở về”, họ đang phải “ra đi” – đi khỏi nơi phong nhiêu, trù mật, nơi họ đã gửi hồn mình vào từng lá cây ngọn cỏ không quên…
Thiết nghĩ, bảo vệ non nước thanh bình và trù mật để làm “hồi môn” cho con cháu muôn đời, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng người dân Lộ Diêu…
Thái Hạo