RFA
Cơ quan Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây có bài viết cho rằng cán bộ, đảng viên nào thể hiện sự im lặng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh thì sẽ trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu, dung túng cho cái sai và tiếp tay cho cái ác lộng hành.
Trong khi đó, những người dân cất lên tiếng nói phản biện thì sẽ bị chính quyền sách nhiễu, bắt bớ, ghép tội. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch, từ khi Việt Nam tuyên bố ra ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền ngày 22 tháng 2 năm 2021… đến ngày 22/12/2022, Việt Nam đã câu lưu, bắt giữ và xử án ít nhất là 48 nhà báo, nhà hoạt động với các tội danh tùy tiện, từ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” “tuyên truyền chống nhà nước,” “trốn thuế” theo các Điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 6/3, nhận định:
“Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra vấn đề im lặng và lên tiếng nhưng họ khoanh vùng lại chỉ có cán bộ đảng viên, tức là người dân không có mặt trong vấn đề này. Đây là một nghịch lý, bởi vì người dân hàng chục năm qua là những người bị xâm phạm lợi ích một cách là mãnh liệt và rõ ràng thì lại không được phép lên tiếng. Còn nhiệm vụ của cán bộ đảng viên không phải là lên tiếng hay im lặng, mà nhiệm vụ của cán bộ đảng viên là phải làm việc theo pháp luật.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cán bộ đảng viên cấp càng cao thì họ ngày càng hèn nhát. Ông Già nêu lý do:
“Nó có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất cấp càng cao thì lợi ích vật chất và tinh thần càng nhiều, do đó họ phải im lặng thôi, chứ nếu lên tiếng thì ai bảo vệ họ? Họ chỉ lên tiếng khi lợi ích của họ bị động chạm. Vì vậy ở đây là một cách đánh tráo về vai trò. Tôi muốn nhấn mạnh nhiệm vụ của cán bộ đảng viên là làm việc theo pháp luật, công việc lên tiếng là của người dân. Như vậy việc nhà cầm quyền, mà cụ thể là Ban Tuyên giáo Trung ương nêu lại vấn đề ‘im lặng và lên tiếng’ mà chỉ khoanh vùng trong nội bộ đảng viên… thì tôi cho rằng chỉ là một hình thức khích lệ cho việc đấu tố lẫn nhau, nhằm mục đích thanh trừng chính trị, chứ không có giá trị gì đối với người dân chúng tôi.”
Một ví dụ khác là vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi HĐNQ.
Tuy nhiên các tờ báo trong nước dưới sự kiểm soát của cơ quan Tuyên giáo, trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022 khi tường thuật về vụ việc này đã không hề đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam.
Trước đó, khi Liên Hợp Quốc ra hai nghị quyết lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, thì Việt Nam cũng đều đã bỏ phiếu trắng.
Từ Đức Quốc hôm 6/3, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ý kiến:
“Từ xưa đến nay chúng ta đều biết bản chất của Nhà nước cộng sản Việt Nam là nói một đằng làm một nẻo, không bao giờ tin vào những gì họ tuyên truyền. Bởi vì nếu như họ khuyến khích cán bộ đảng viên trong nội bộ của họ mà tố cáo những vấn đề tham nhũng tiêu cực, hay những vấn nạn xã hội lên cơ quan truyền thông… thì chắc chắn họ sẽ bị kỷ luật ở cấp chi bộ đảng, rồi sau đó ở những cấp cao hơn. Từ xưa đến nay thì chúng ta từng chứng kiến rất nhiều những tấm gương ví dụ như cựu Trung tá Trần Anh Kim ở trong quân đội tố cáo tham nhũng tiêu cực rồi cuối cùng bị cấp trên vu khống, chụp mũ và phải chịu ba năm tù. Còn trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam không thiếu những trường hợp tương tự như vậy xảy ra trong nhiều thập kỷ vừa qua.”
Cho nên theo Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Tuyên giáo Việt Nam nói như vậy chỉ mang tính chất mị dân. Ông Đài cho biết ông không tin vào những lời của Ban tuyên giáo của đảng Cộng sản Việt Nam khi họ khuyến khích cán bộ tố cáo những vấn đề tham nhũng, tiêu cực…
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, hôm 6/3, nói:
“Đảng có nhiều văn bản, những quy định rất là hay và rất nhân văn… nhưng việc thực hiện nó luôn luôn đi ngược lại với lại những cái hay và những cá nhân văn đó. Cho nên chúng ta phải hiểu như vậy, đó là trong đảng. Còn ngoài xã hội cũng vậy, như việc họ nói chống tham nhũng là được thưởng các thứ… nhưng trên thực tế bao nhiêu người tố cáo tham nhũng thì thân bại danh liệt, vào tù… Đấy là việc giữa nói và làm của đảng CSVN.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội đã tự giải thể, khi trả lời RFA liên quan việc tuyên truyền của ngành Tuyên giáo cho rằng:
“Tuyên truyền là công cụ rất hữu hiệu của Đảng cộng sản Việt Nam mà Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam là cơ quan chỉ huy toàn bộ việc tuyên truyền của đảng, hay nói cách khác là công tác tẩy não người dân, thuyết phục người dân, lừa bịp để làm người dân mụ mẫm đi tin tưởng và theo đảng cộng sản. Công việc đấy là một sai lầm lớn bởi vì một số đông người ở Việt Nam vẫn bị lừa bởi ngón tuyên truyền như vậy. Đấy là vũ khí rất lợi hại của đảng cộng sản Việt Nam và chúng ta cần vạch ra để người dân được rõ.”
Chính vì muốn bóp nghẹt quyền tự do lên tiếng của người dân, theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ Hà Nội và Đảng Cộng sản nhiều năm qua đã mạnh tay sách nhiễu, bắt bớ các nhà hoạt động, nhà báo độc lập ở Việt Nam./.