Báo đăng tin như đùa: “Nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị, vật tư: Nguy cơ ngừng hoạt động”. Lý do: vướng mắc bởi Luật Đấu thầu 2013, các Nghị định của Chính phủ liên quan đến đấu thầu và quản lý mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Đùa mà thật! Thật vì đó là lời đe dọa. Đe dọa Quốc hội, Chính phủ phải gỡ bỏ những rào cản trong Luật Đấu thầu, các Nghị định liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Thực chất là đe dọa người bệnh: Bệnh viện đóng cửa, hàng triệu bệnh nhân phải chết. Bệnh nhân trở thành con tin để các quan chức bệnh viện lu loa trên báo chí cho một cuộc mặc cả ở tầm… có hệ thống.
Lãnh đạo các bệnh viện và báo chí đã lừa dư luận, nhiều người động lòng lên tiếng gây áp lực đối với Quốc hội và Chính phủ gỡ bỏ rào cản để quay về cái thời đấu thầu, mua sắm tùy tiện đầy tiêu cực làm tan nát cả ngành y tế.
Tôi tra Luật Đấu thầu và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đấu thầu, không thấy rào cản nào, nếu không nói vẫn có cửa mở cho bệnh viện chỉ định thầu. Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 cho phép 6 trường hợp Chỉ định thầu, trong đó có 2 điều Bệnh viện được phép thực hiện:
a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
Ngoài ra, Luật còn mở điều e) “Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ”.
Khi lãnh đạo bệnh viện kêu ca tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế do lo sợ bị vi phạm pháp luật, Chính phủ đã họp khẩn cấp ra Nghị quyết 144/NQ- CP, Ngày 05 tháng 11 năm 2022, Về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó có điều mở toang cánh cửa tự chủ cho các bệnh viện:
“2. Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở y tế thuộc phạm vi xử lý thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị để tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm”.
Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn không thể cụ thể hơn!
Vậy thì tại sao, hơn một năm qua, các bệnh viện vẫn kêu ca thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, và hiện nay thì đẩy đến áp lực dùng tính mạng hàng triệu bệnh nhân ra mặc cả?
Trên tinh thần Nghị quyết 144/NQ-CP nêu trên, ngày 25 tháng 02 năm 2003, Thủ tướng đăng đàn yêu cầu “Giải quyết dứt điểm thiếu vật tư y tế, ‘tránh đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm”.
Vậy mà các lãnh đạo bệnh viện vẫn “đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm”, không chỉ vậy, còn hô hào đòi “đóng cửa bệnh viện”. Bệnh viện công mà họ tưởng là bệnh viện tư của họ, muốn mở thì mở, muốn đóng thì đóng?
Lời đe dọa ấy không khác kêu gọi đình công. Bác sĩ làm việc quá giờ, quá sức, lương thấp đòi bỏ việc, đình công còn có lý để nhà nước điều chỉnh chính sách. Quan chức y tế đình công chỉ vì Chính phủ siết chặt kỷ cương, hạn chế tiêu cực thì đó là sự phản kháng phi pháp, vô lương tâm đối với người bệnh.
“Đùn đấy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm”, nếu gây chết người, làm tê liệt hệ thống y tế, thì cũng đồng nghĩa với “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 360 Luật Hình sự.
Có bạn bình luận ở bài trước, rằng “cần thông cảm, chia sẻ với các lãnh đạo bệnh viện, điều quan trọng là giải pháp cấp tốc hiện thời để cứu người bệnh”. Tôi nói thẳng, khi loại lãnh đạo chỉ biết chăm sóc cho bộ lông của mình mà ngoảnh mặt quay lưng với đồng loại thì đó là cầm thú, không thể thông cảm được. Còn giải pháp cấp tốc hiện nay là: Cách chức, thậm chí khởi tố hình sự Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng những lãnh đạo đã để bệnh viện rơi vào thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị. Tôi đảm bảo chỉ trong vòng một tuần, thuốc men, trang thiết bị sẽ có đủ. Bệnh viện không thiếu tiền. Mà giả định có thiếu, không tổ chức y tế nào trên thế giới làm ngơ. Hiện họ chỉ làm ngơ, vì họ buồn cười và kinh tởm cho cái thái độ đe dọa của loài cầm thú mang danh “lương y”.
Chu Mộng Long