RFA
Tại Hội nghị Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 vào ngày 2/2/2023, ông Lại Xuân Môn – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu yêu cầu Báo chí phải tạo ra dòng thông tin thung thực, chủ lưu tích cực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo…
Dù kêu gọi nhà báo phải trung thực, nhưng chính Ban Tuyên giáo đã nhiều lần chỉ đạo báo chí không được đăng tải tin tức bị cho là không có lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam, dù thông tin đó dưới thời đại internet ai cũng biết.
Đơn cử như vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi HĐNQ. Tuy nhiên các tờ báo trong nước trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022, khi tường thuật về vụ việc này đã không hề đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, hôm 7/2 nhận định:
“Truyền thống của Đảng ta thì Tuyên giáo đã tổng kết rồi, chúng ta phải biết nói xuôi nói ngược, tức là việc tuyên truyền trong ngành đã quán triệt, cái gì cũng phải nói tốt cho Đảng. Những cái gì xấu thì đổ cho thế lực thù địch. Về nguyên tắc là vậy, còn trong từng trường hợp cụ thể, trong từng sự việc thì cách nói có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc xuyên suốt chỉ đạo dù Đảng có như thế nào thì cũng phải nói tốt đẹp. Không cần phải nói nhiều, chúng ta biết mỗi một điều người ta nói ra đều đem lại lợi ích tuyên truyền tốt đẹp cho đảng. Thành ra cứ nói đến Tuyên giáo là người ta đã cười, không cần phải nói nhiều.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết thêm một ví dụ về sự ‘xảo ngôn’ của ngành Tuyên giáo:
“Rất là nhiều chuyện ‘xảo ngôn’, gần đây chúng ta biết có thông tin ví dụ như liên quan ông Trịnh Văn Quyết thì báo chí lúc đó khẳng định không có chuyện cấm xuất cảnh, không có chuyện sắp bắt giam… nhưng mấy hôm sau lại bắt. Rất là nhiều, bây giờ nó nhiều quá không thể kể hết, như chuyện Trịnh Văn Quyết, chính tuyên huấn nói không có chuyện cấm xuất cảnh, nhưng sau lại cấm… rất là nhiều, nó lập đi lập lại. Việc gì nó cũng đều như vậy, cứ tuyên giáo nói gì thì hiểu ngược lại 100 % là đúng.”
Báo chí ở Việt Nam được nói là phải chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe từ Ban Tuyên giáo. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin- Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Tiến sĩ – Nhà báo Hồ Bất Khuất, Trưởng ban biên tập Tạp chí “Gia đình và Trẻ em”, hôm 7/2 cho biết:
“Làm báo là phải tuân theo nguyên tắc đầu tiên đó là tôn trọng sự thật, chỉ nói sự thật thôi. Đương nhiên đã nói là phải nói sự thật, còn có những sự thật không nói được thì thôi, đành thế, rất tiếc là sự thật đấy không nói được. Vì có thể mình nhận thức chưa đến nơi đến chốn, vì sự thật đó là sự kiện mang theo những tác động mà mình chưa hiểu hết. Thứ hai là báo chí Việt Nam thì có tổng biên tập, mình có thể viết nhưng người ta không in, biết chắc người ta không đăng cho mình thì cũng chả viết làm gì, thành ra nhiều sự thật đáng tiếc là chưa nói được.”
Theo Nhà báo Hồ Bất Khuất, báo chí Việt Nam chỉ chưa nói hết được sự thật thôi, chứ ít nói sai sự thật. Vì theo ông Khuất, báo chí Việt Nam rất thận trọng, nhiều tin tức gì rõ ràng rồi mới đăng, mới nói… Nhưng ông Khuất cho rằng, nếu cứ kéo dài như thế thì sẽ không làm báo được. Vì một trong những chức năng của báo chí là thông tin phải nhanh, chính xác.
Tuy nhiên trên thực tế, để bảo vệ Đảng, Ban Tuyên giáo không chỉ che đậy sự thật… mà có thể còn tạo ra nhiều câu chuyện hư cấu nhằm tuyên truyền cho Đảng CSVN.
Một ví dụ điển hình là vào ngày 7 tháng 8 năm 2021, trên trang Facebook cá nhân của người có tên Khoa tự nhận mình là bác sĩ, kể lại chuyện mình rút ống thở của cha mẹ ruột để cứu một sản phụ mang thai đôi. Sau đó, câu chuyện được Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TPHCM Nguyễn Đức Hiển và một cựu nhà báo của truyền thông Nhà nước là Hoàng Nguyên Vũ đưa lại trên Facebook cá nhân. Nhưng đại diện Sở Y tế TPHCM vào ngày hôm sau lên tiếng cho rằng đó là chuyện hư cấu, bịa đặt.
Dư luận cho rằng, câu chuyện “bác sĩ Khoa” là hậu quả của việc tuyên truyền sai sự thật được Đảng Cộng sản sử dụng để bảo vệ Đảng từ ngày thành lập. Chỉ đến khi bị cư dân mạng phân tích những điểm vô lý thì câu chuyện biến mất cùng tác giả.
Nhà báo Quang Hữu Minh nhận định với RFA hôm 7/2:
“Vấn đề đó kéo dài từ lâu rồi, nó thành truyền thống và tập quán của ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thí dụ như chuyện hai chiếc xe tăng nào húc đổ cổng Dinh Độc Lập, còn nhiều chuyện lắm, như chuyện cá chết Formosa hay chuyện biểu tình của những người bất đồng chính kiến… Bởi vậy những nhà báo của nhà nước họ khó được phát triển tốt trong nghề nghiệp. Ban đầu có một số nhà báo còn tử tế, nhưng về sau lòi ra bản chất. Bởi vậy những người tử tế khó làm việc lâu trong hệ thống. Vì lâu ngày sẽ lộ ra sự gian dối trong báo chí.”
Chính vì muốn bóp nghẹt quyền tự do của báo chí, theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ Hà Nội và Đảng Cộng sản nhiều năm qua đã mạnh tay sách nhiễu, bắt bớ các nhà hoạt động, nhà báo độc lập ở Việt Nam.