Jackhammer Nguyễn (Báo Tiếng Dân)
Bi kịch Paris
“Hòa bình ơi/ Tình yêu em như sông biển rộng/ Tình yêu em như lúa ngoài đồng/ Tình yêu em tát cạn biển Đông…” Lời bài hát này được nghe trên khắp các thành thị miền Nam Việt Nam, khi nó còn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng hòa 50 năm trước.
Người sáng tác bài hát đó là nhạc sĩ Thông Đạt, tức Ngô Văn Giảng, nhưng tôi không biết ai là người hát nó đầu tiên trên radio hay TV, chỉ biết rằng nó xuất hiện sau ngày 27-1-1973, ngày hiệp định đình chiến bốn bên được ký kết tại Paris, thủ đô nước Pháp.
Tuy nhiên cuộc chiến không đình được, nỗi khát khao hòa bình trong bài hát nhanh chóng bị dập tắt. Chiến tranh tiếp tục trong hai năm tiếp theo, dẫn đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa. Với độ lùi thời gian nửa thế kỷ, cùng nhiều thông tin mới dần được công bố, nay đã rõ là việc ký kết hiệp định này có nguyên nhân lớn nhất là ý chí của người Mỹ, tìm kiếm một lối thoát trong vũng lầy Việt Nam của họ.
Việt Nam đã không còn là một tiền đồn chống cộng sản có giá trị nữa, chính sách mới của Washington bắt tay với Trung Hoa cộng sản nhằm phân hóa thế giới cộng sản bắt đầu. Tiền đồn của Mỹ bây giờ không phải là Sài Gòn nữa, mà là Bắc Kinh. Vũ khí không phải là ném bom nữa mà là những cái bắt tay thân mật bên cốc rượu Mao đài.
Cuộc chiến hai năm sau hiệp định Paris thực sự là nội chiến, là cuộc chiến giữa những người Việt với nhau, dù rằng cho đến 50 năm sau, cho tới bây giờ Hà Nội vẫn vô cùng “nhạy cảm” với hai từ “nội chiến”. Họ cũng “nhạy cảm” cả với ba từ “ý thức hệ”, lý do chính mà người Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Điều trớ trêu và buồn cười nhất là tính chất ý thức hệ (đấu tranh giai cấp) là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam lớn tiếng hơn ai hết khi họ nắm quyền trên toàn quốc.
Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vì sự yếu kém về tổ chức xã hội, nhà nước, của nó, không phải để chiến đấu, quân đội của họ dựa hoàn toàn vào người Mỹ, mà không sẵn sàng cho một cuộc chiến dựa trên sức mạnh của chính mình. Trong khi đó, xã hội và nhà nước miền Bắc, với mô hình toàn trị, thích hợp hơn rất nhiều lần để tiến hành một cuộc chiến. Vũ khí và tài lực từ Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Hà Nội.
Bi kịch ngày 30-4-1975 của Việt Nam Cộng hòa là không thể tránh khỏi. Bi kịch đó kéo theo bị kịch tù cải tạo với hàng trăm ngàn người lao động khổ sai không án.
Bi kịch đó kéo theo bi kịch thuyền nhân với gần một triệu người liều mình đào thoát khỏi Việt Nam, trong đó không biết bao nhiêu người chết thảm khốc.
Lịch sử và xóa bỏ lịch sử
Người cộng sản Việt Nam đã thắng cuộc chiến quân sự sau bi kịch Paris, nhưng họ đại bại trong cuộc chiến ý thức hệ.
Nước Việt Nam ngày nay không phải là một đất nước sống theo thiên đường cộng sản, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, như trong các kinh điển Mác – Lê. Việt Nam ngày nay là đất nước của cụ già Nguyễn Phú Trọng sửa luật Đảng của chính ông ta để cầm quyền, là đất nước của hơn triệu công nhân bỏ chạy về quê vì đói trong đại dịch 2021, là đất nước của Phạm Nhật Vượng, chuyên thu gom đất đai giá rẻ để làm tỷ phú, và cũng là đất nước của những “thùng nhân” chết đông lạnh ở Anh.
Họ thất bại trong ý thức hệ, nhưng có thể họ đang thắng trong việc xóa bỏ lịch sử, ít nhất là đối với mấy chục triệu dân trong nước.
Tôi không nghĩ rằng có hơn 50% dân chúng Việt Nam trong nước biết Hiệp định Paris là cái gì! Dĩ nhiên họ cũng chẳng biết tới trại tù cải tạo khổ sai, không biết cả thảm họa thuyền nhân.
Báo chí tuyên truyền của Đảng nói với họ rằng, có mấy triệu người Việt sống ở phương Tây, “lúc nào cũng hướng về tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (sic). Nhưng tại sao mấy triệu người ấy có mặt ở phương Tây? Báo chí và sách vở của Đảng … cứ làm như không biết!
Mấy ngày gần đây, báo chí Việt Nam cũng góp lời ca tụng hai diễn viên được đề cử giải Oscar danh giá ở Mỹ, có liên quan đến Việt Nam, là ông Quan Kế Huy và bà Hồng Châu. Họ ca tụng vì cả hai người đều được xem là người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên báo Đảng cắt bén đi cái lý lịch thuyền nhân của họ.
Mà không chỉ trong câu chuyện với hai người này, những cái từ như là thuyền nhân, trại cải tạo… cũng biến mất tăm ở Việt Nam ngày nay, dù rằng nó là một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc.
50 năm hiệp định Paris, Việt Nam đi từ một nền hòa bình tưởng tượng, cho đến một tương lai bất định, trên nền của một dân tộc 100 triệu dân bị xóa bỏ lịch sử./.