Ngô Trường An
Hai đứa trẻ Thiên Đường (TĐ) và Giãy Chết (GC) ngồi nói chuyện với nhau. TĐ hỏi GC:
– Lớn lên mày làm gì?
– Tao làm những gì tao thích, và điều quan trọng là, những việc làm ấy đem lại lợi ích cho mọi người, với mục đích là để trả ơn cho đất nước tao!
– Ơn gì?
– Khi mẹ tao sinh tao ra, nhà nước lo mọi chi phí khi tao chào đời. Khi lớn lên, nhà nước cho đi học miễn phí, và hỗ trợ tiền sách, vở, bút, mực…đến lúc trưởng thành. Khi ốm đau, nhà nước chữa trị hoàn toàn miễn phí, cha mẹ tao không tốn đồng nào. Nói chung, chúng tao được quan tâm, ưu ái tất cả các mặt từ vật chất cho đến tinh thần. Thậm chí, trên đường giao thông, bọn trẻ tao còn có lối đi riêng rất an toàn nữa kìa. Bởi vậy, khi trưởng thành tao phải phục vụ lại cho đất nước, cũng như đất nước đã phục vụ cho tao mấy chục năm qua. Đó là lẽ công bằng mà! Còn mày, sau này lớn lên mày làm gì?
– À, tao sẽ làm mọi cách để kiếm tiền. Nếu có cơ hội, tao cũng sẽ nhận hối lộ, ăn cắp của công chứ chẳng từ một việc gì, miễn việc đó có tiền!
– Vì sao?
– Vì khi tao chào đời, cha mẹ tao phải đóng góp tất tần các loại thuế, phí, quỹ cho nhà nước, chứ chẳng có gì miễn phí như đất nước của mày. Khi đi học thì ôi thôi biết bao nhiêu loại tiền mà cha mẹ tao phải đóng, sách GK phải mua hằng năm, giá sách năm sau cao hơn năm trước. Ngoài các loại tiền nhà trường đã thu, bọn trẻ chúng tao còn phải đi bươi hố rác lượm lon bia, nhặt giấy vụn để nộp cho nhà trường, để thầy cô bán lấy tiền nộp cho nhà nước. Chúng tao ra đường còn phải đóng phí, chứ đâu có đường ưu tiên giành cho trẻ em như đất nước chúng mày. Bởi vậy, khi trưởng thành, tao phải làm bất cứ việc gì để lấy lại những gì mà tao đã bỏ ra!
– Mày làm vậy mà được à?
– Sao không? Đất nước mày ưu ái, quan tâm, phục vụ cho mày từ nhỏ đến lớn. Khi trưởng thành, mày phục vụ lại đất nước, đó là lẽ công bằng. Đất nước tao bắt tao phải đóng góp từ khi vừa lọt lòng mẹ đến khi khôn lớn. Vậy khi ra đời, tao phải lấy lại những gì đã mất. Đó cũng là lẽ công bằng phải không? Vấn đề là, tao có cơ hội đó hay không mà thôi.