Ngày 14 Tháng Mười Hai, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sang Châu Âu ký chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch. Đổi lại những quốc gia này sẽ hỗ trợ 15,5 tỷ đô la trong vòng từ 3-5 năm, nếu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thực ra đây là cái bẫy, tưởng dễ ăn nhưng ăn không dễ. Bởi để giải ngân gói 15,5 tỷ đô cam kết đó, Việt Nam phải chứng minh lộ trình chuyển đổi xanh ít nhất là ở các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường 9 nước trên. Nếu Việt Nam không làm nổi thì cánh cửa nhập khẩu dành cho hàng “made in Vietnam” sẽ bị khép dần. Khi cánh cửa bị khép thì các nhà nhập khẩu tại 9 quốc gia trên sẽ chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang quốc gia khác – quốc gia mà đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh.
Trò chơi chuyển đổi xanh là miếng mồi mà các nước giàu đưa ra để nhử cho các nước nghèo phải chạy theo lộ trình của họ. Bởi các nước giàu họ thừa biết, Chính phủ ở các nước nghèo chỉ toàn là tham nhũng, bất tài, vô trách nhiệm nên họ sẽ chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Không dùng quân sự nhưng các nước giàu đang dùng kinh tế để áp đặt luật chơi. Các nước nghèo dám chây ì không? Chây ì sẽ trả giả cả nền kinh tế.
Việt Nam là là nhóm tranh ăn không phải nhóm có thể quăng mồi nhử như 9 quốc gia giàu kia. Cho nên, nếu Chính quyền Việt Nam kém cỏi trong lộ trình chuyển đổi xanh thì không những không lấy được gói tài trợ 15,5 tỷ đô la kia mà còn để cho nước khác cướp lấy thị trường xuất khẩu của Việt. Con số từ 3 đến 5 năm để giải ngân là áp lực cực lớn, không dễ để thực hiện.
Ngày 27 Tháng Mười Hai, báo CafeF có bài viết nói rằng, ngành dệt may Bangladesh làm không đủ bán trong khi đó Việt Nam than thở thiếu đơn hàng. Quốc gia Nam Á này đã chiếm lấy vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Nguyên nhân được phân tích được cho là Bangladesh có chuyển đổi xanh trong sản xuất nên đơn hàng đã đổ về đây ào ạt, còn Việt Nam thì “đói meo râu”. Như vậy là trong cuộc chơi chuyển đổi xanh mà các nước giàu áp đặt, Bangladesh đã nhanh chân hơn Việt Nam.
Bangladesh là nước nghèo, có thể nghèo hơn cả Việt Nam. Họ nghèo mà biết chớp thời cơ thì e là Việt Nam cần phải nghiên cứu và học hỏi cách làm của họ. Trong khi Việt Nam đang mơ trở thành cường quốc ô tô công nghệ cạnh tranh với Tesla thì Bangladesh đã đi từng bước rất vững chắc để cướp lấy thị trường hàng dệt may của Việt Nam. Làm chuyện lớn là rất tốt nhưng chuyện nhỏ hợp sức mình luôn quan trọng hơn. Ở cuộc chơi này, Đảng Cộng Sản Việt Nam đang hoang tưởng trong khi Bangladesh lại thực tế hơn./.