Nông nghiệp cho dân còn làm không xong mà ráng đốt tiền để chứng tỏ năng lực công nghệ để làm gì?
Nước Úc đã từng có một thương hiệu ô tô của riêng mình, đó là hãng Holden. Đây là một hãng xe lâu đời và chất lượng không thua kém gì các hãng xe khác trên thế giới. Tuy nhiên, công ty này đã chính thức bị khai tử từ năm 2020 vì không thể cạnh tranh với xe nhập.
Tuy là biểu tượng về công nghệ một thời của nước Úc bị khai tử nhưng nước Úc vẫn giàu. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Úc cao hơn Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi đó cuộc sống dân Úc lại nhàn hơn cuộc sống của người Nhật và Hàn.
Thụy điển cũng thế, hãng ô tô Volvo từng là biểu tượng cũng lắm long đong, hết rơi vào tay hãng Ford rồi sau đó rơi vào tay ông chủ Trung Quốc. Nước Anh là cường quốc kinh tế, tuy nhiên thương hiệu Land Rover lừng danh của họ thì rơi vào tay ông chủ Ấn Độ, Rolls Royce lừng danh lại rơi vào tay BMW và Bentley cũng thuộc về Volkswagen. Tuy Anh, Úc, Thụy Điển lần lượt mất đi những hãng ô tô mang tính biểu tượng nhưng họ vẫn luôn là quốc gia giàu mạnh, phát triển một cách bền vững.
Những gì mình không làm tốt bằng người ta thì buông bỏ và tập trung vào những thứ mình làm tốt nhất, đấy mới là hướng đi bền vững cho đất nước. Người Úc làm ô tô không bằng người Nhật người Hàn thì cứ để Nhật và Hàn làm và họ mua hàng nhập mà dùng, cần gì níu kéo một thương hiệu không mang lại lợi ích kinh tế?
Mới đây trên các tờ báo Việt Nam cho biết, vải thiều Úc nhập về Việt Nam bán giá 1,3 triệu đồng/kg gấp 30 lần giá vải thiều Việt Nam. Vải thiều là trái cây nhiệt đới, Úc nhập giống về trồng và bán lại Việt Nam nhưng lại bán với giá cao ngất ngưởng. Vì sao cùng là vải thiều mà giá chênh lệch kinh khủng như thế? Người ta mua vải Thiều Úc là có lý do của nó.
Nông nghiệp Úc vốn là thương hiệu lớn, mua vải thiều Úc làm người ta tin tưởng về chất lượng hơn, họ làm nông không dùng hóa chất vô tội vạ như nông nghiệp Việt Nam. Vì thế giới có tiền và biết coi trọng sức khỏe họ thà ăn vải Úc đắt đỏ để mua sự an tâm còn hơn là ăn vải Thiều Việt Nam để nạp hóa chất vào cơ thể. Cho dù một ai đó trồng vải thiều bằng phương pháp organic thì người tiêu dùng khó tính Việt Nam vẫn không chấp nhận vì nhãn hiệu organic vẫn có thể mua dễ dàng. Vụ mua chứng chỉ Vietgap (chứng nhận sản phẩm rau sạch) dễ như mua rau ngoài chợ bị phanh phui hồi Tháng Chín vừa qua là ví dụ cho lối làm nông nghiệp Việt Nam.
Nước Úc xa xôi bán sang Việt Nam một loại sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam mà họ vẫn bán được, thậm chí bán giá rất cao là tại sao? Là vì thương hiệu quốc gia. Cũng là vải mà mang thương hiệu Úc khác thương hiệu Việt. Nước Úc bỏ ô tô tập trung vào nông nghiệp, lĩnh vực mà họ giỏi vượt trội và đất nước họ vẫn phát triển tốt.
Ngày 25 Tháng Mười Hai, trang VOV cho biết, rau quả Trung Quốc nhập qua Việt Nam tăng mạnh chiếm đến 40% thị phần. Hàng nông nghiệp cao cấp thì bị các nước tiến bộ chiếm lĩnh, hàng nông nghiệp bình dân thì bị Trung Quốc chiếm. Nông nghiệp Việt Nam bị ép cho ngợp thở ngay trên sân nhà vậy mà Đảng Cộng Sản lại dồn hết nội lực để phát triển công nghệ ô tô.
Vinfast hiện nay đã lỗ 4,7 tỷ đô la trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 4,4 tỷ đô và đang cứ tiếp tục đốt, điều đó cho thấy Vinfast đuối về tài chính. Xe thì quá nhiều lỗi mà lại bán giá cao ngất ngưởng cho thấy Vinfast đang đuối về kỹ thuật. Hai hình ảnh này cho thấy, Phạm Nhật Vượng làm ô tô để chứng tỏ năng lực chứ không phải làm ô tô để làm giàu đất nước. Đảng Cộng Sản đang cố làm ô tô để tạo mặt nạ chữa bệnh sĩ cho Đảng, hết.
Nông nghiệp cho dân còn làm không xong mà ráng đốt tiền để chứng tỏ năng lực công nghệ để làm gì? Đây rõ ràng là không bắt chim lồng mà lại cố đuổi bắt chim bay. Đảng Cộng Sản dưới sự “soi đường” của Chủ Nghĩa Mác Lê Nin nên mới không nhận ra sự vô ích của việc đuổi bắt chim trời như thế. Con chim trời “Chủ Nghĩa Xã hội” đã được Đảng Cộng Sản đuổi theo 77 năm ròng rã và giờ vẫn Đảng đang tiếp tục. Vô minh bền vững thì hết thuốc chữa. Đất nước này làm sao phát triển được?