Theo tổng kết của ngành du lịch Việt Nam thì năm 2017, cứ 10 người đến Việt Nam một lần thì có 8 người “say goodbye” không bao giờ trở lại. Thực trạng tệ hại như thế nhưng ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến 13 triệu lượt khách quốc tế vào năm sau.
Rồi năm 2018 đến 2019 con số vẫn vậy, cũng 80% “một đi không trở lại”. Sau hai năm gián đoạn vì Covid, đến năm 2022 thì tình hình lại khác đi, mà là khác theo hướng tồi tệ hơn. Năm 2022 người ta thống kê, cứ 10 từng đến Việt Nam thì thành phần “never again” lên đến 9 người. Từ 80% khách du lịch quốc tế “tởn tới già”giờ tăng lên thành 90% thì cũng gọi là “tăng trưởng” đấy chứ?
Theo thống kê thì cứ 100 người xin thôi quốc tịch Việt Nam thì chỉ có 6 người xin nhập quốc tịch Việt Nam. Những người xin nhập quốc tịch Việt Nam thường là người gốc Việt muốn hồi hương để về sống quê nhà sau khi đã cống hiến hết nội lực cho “bọn tư bản giãy chết” hoặc những người không thể hòa nhập ở xứ người. Con số này sẽ giảm vì thế hệ sau là những người sinh gốc Việt sinh ra ở nước ngoài sẽ không muốn về nước làm gì nữa.
Theo thống kê, năm 2005, từ 25-30% số lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn ở lại bất hợp pháp, và con số này ở Đài Loan trên 10% phần trăm. Tuy nhiên, đến năm 2022 thì người ta thống kê có thời điểm 75% lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, con số này với thị trường lao động Đài Loan là gần 50%.
Du khách quốc tế thì đến một lần rồi tởn tới già, người Việt nào có điều kiện thì cuốn gói ra đi để tìm vùng đất khác mà sống, người lao động thì một khi bước chân ra khỏi đất nước thì tìm cách trốn ở lại. Đấy là hình ảnh của một vùng đất hung, bởi “đất lành chim đậu” là chân lý muôn đời.
Ở chiều ngược lại, giới nghệ sỹ gốc Việt chủ yếu là ở Bắc Mỹ về Việt Nam sinh sống và biêu diễn ngày càng nhiều. Hồi Tháng Hai 2021, Nghệ sỹ ưu tú Quốc Thảo nói ‘Nghệ sĩ 10 người sang Mỹ thì hơn 9 người muốn về’, rồi đến Tháng Hai 2022, nghệ sỹ hài Quang Minh cũng khẳng định “10 người đi Mỹ hết 9,5 người muốn về’. Những câu nói này làm dậy sóng cộng đồng mạng bởi nhiều người nghĩ rằng, hai nghệ sỹ này nói về nguyện vọng của người Việt nói chung, nhưng thực chất không phải vậy. Theo tôi, hai nghệ sỹ này chỉ nói về giới nghệ sỹ của họ mà thôi.
Tôi nhớ thời thập niên 90, chương trình ca nhạc hải ngoại tràn ngập Việt Nam. Trung tâm Asia, Paris by night, Trung tâm Vân Sơn vv… chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, sau đó thì các trung tâm hải ngoại mất dần vị thế và các trung tâm ca nhạc trong nước mọc lên quá nhiều làm cho giới nghệ sỹ thi nhau về nước biểu diễn. Từ những năm 2000, nghệ sỹ hải ngoại đã ồ ạt về Việt Nam là một thực tế không thể chối cãi.
Sự di chuyển của giới nghệ sỹ về nước đồng thời các trung tâm âm nhạc lớn ở hải ngoại lần lượt suy tàn. Trung tâm Asia lừng lẫy một thời thì giải tán, Trung tâm Vân Sơn cũng mất hút và Trung tâm Thúy Nga thì cũng ngoắc ngoải. Điều đó cho thấy rằng, văn hóa Việt Nam đang bị đào thải và nó bị trả về quê hương của nó. Lý do tại sao?
Thực tế các trung tâm âm nhạc hải ngoại chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt. Hiện nay thế hệ người gốc Việt sinh ra ở nước ngoài đã dần thay thế cho thế hệ cha chú. Và thế hệ mới này “nuốt không trôi” văn hóa Việt Nam trong khi đó lớp già thì ngày một ít đi và không bao lâu nữa chẳng còn ai. Và khi tầng lớp thưởng thức văn hóa thuần Việt ít dần thì loại hình văn hóa đấy làm sao còn đất sống ở hải ngoại? Đó là lý do các trung tâm ca nhạc lụi tàn và ca sỹ gốc Việt phải tháo chạy về Việt Nam là điều tất yếu.
Thực tế, giới nghệ sỹ Việt Nam ở hải ngoại quay đầu về nước không nói lên Việt Nam đáng sống mà chỉ nói rằng, nghệ thuật Việt Nam không thể tồn tại được khi bước ra ngoài vỏ kén của nó. Sự hồi hương của giới nghệ sỹ chính là sự hồi hương của nghệ thuật sân khấu “made in Vietnam” chứ không phải là người Việt muốn về Việt Nam.
Vùng đất hung khiến người ngoài vào một lần thì phải tháo chạy, người ở trong thì tìm cách thoát thân, còn sản phẩm nghệ thuật sân khấu do nó làm ra thì bị trả lại nơi sản xuất./.