Chống dịch, nhập thuốc và bài toán về Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu

  1. TỪ CHỐNG COVID

Sau 4 năm, dù được thực thi dưới “bàn tay sắt”, cuối cùng thì chính sách “zero covid” của Trung Quốc đã bị đổ vỡ. “Quyết tâm chính trị” của Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc không thắng được covid. Chống dịch phải dựa vào khoa học chứ không phải dựa vào “quyết tâm chính trị”. Covid không nghe nghị quyết, không biết chuyên chính vô sản, không sợ quyền chức.

Ngay từ khi đại dịch covid -19 mới xẩy ra, chính phủ các nước châu Âu họ đã đi theo khuyến nghị chống dịch theo quyết định của một hội đồng khoa học (HĐKH). HĐKH quyết định cách thức chống covid như thế nào thì chính phủ theo đó mà triển khai, chứ không phải theo ý của thủ tướng hay chính phủ. Thí dụ như họ đã tuân theo khuyến nghị của HĐKH về các điểm sau:

1/.Về thứ tự ưu tiên tiêm vaccine thì ưu tiên tiêm phòng cho người già và người có bệnh nền trước. Vì đó là lớp người dễ bị covid “tấn công” và “đánh bại” hơn cả. Sau mới đến các phạm trù khác. Tiêm cho ai đều tuân thủ theo khuyến cáo của HĐKH, chứ không phải theo mức độ “yếu nhân”, quen biết.

- Quảng Cáo -

2/.Khi bị nhiễm covid thì phần lớn sẽ có khả năng tự kháng cự và tự khỏi. Nên khi bị nhiễm covid ở mức nhẹ thì theo dõi và điều trị ở nhà. Chỉ bệnh nhân nặng mới nhập và chữa trị ở bệnh viện.

3/Muốn chấm dứt dịch thì phải miễn dịch cộng đồng. Chìa khoá quyết định miễn dịch cộng đồng là vacccine. Nên phải sơm có vaccine hữu hiệu. Và phải tiêm đại trà vaccine cho người dân.

Thực tiễn ở nước ta suốt một thời gian dài đã không tuân thủ theo 3 điều nêu trên, mà đeo đuổi một chiến lược “zero covid. Về thứ tự tiêm vaccine thì chúng ta không ưu tiên cho người già và người có bệnh nền mà ưu tiên cho cán bộ theo mức độ quan trọng, hay cho những người phục vụ công, giao tiếp cộng động lớn, nghĩ là có nguy cơ bị lây nhiễm covid cao. Chúng ta cho xét nghiệm đại trà, truy vết, cách ly vô cùng tốn kém. Khi nhiễm thì bắt nhập viện bất chấp nặng nhẹ, được chữa trị hay bị bỏ rơi. Dẫn đến quá tải và làm tăng số tử vong mà trường hợp TP HCM là bài học đau đớn. Chúng ta nghĩ là có thể “ngăn sông cấm chợ” được covid. Nên trong suốt một thời gian dài đã tiến hành sách lược xét nghiệm, truy vết, cách ly. Và tự hào đã làm đúng. Rồi không chú tâm đến việc sở hữu vaccine và miễn dịch cộng đồng. Khi thức tỉnh, thì việc đặt mua vaccine đã chậm trễ. Nhờ quyết liệt triển khai chiến dịch “ngoại giao vaccine” mới cứu vãn được tình hình.

Nếu chúng ta nghe theo quyết định của một HĐKH giỏi, thì tình thế đã khác. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng kịp thức tỉnh và thay đổi. Muộn còn hơn không bao giờ.

  1. ĐẾN NHẬP THUỐC

Sáng 13/9/2022, báo vnexpress.net đưa tin: “Chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các địa phương chỉ đạo để đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; sẵn sàng cho trường hợp Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thủ tướng chỉ đạo “ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”, vì việc mua sắm “đủng đỉnh” sẽ không đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân đang tính bằng giờ, bằng phút.

Thủ tướng giao Bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm; sửa đổi ngay các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm.

Nhắc bài học xương máu khi chưa tiếp cận được vaccine, năng lực y tế hạn chế, dẫn đến nhiều mất mát, hy sinh, ảnh hưởng kinh tế – xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất sửa quy định về tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân; rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, có giải pháp khắc phục với những địa phương tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp”(https://vnexpress.net/thu-tuong-mua-sam-thuoc-ai-khong…).

Nghĩ Thủ tướng đã chỉ đạo hôm trước thì ít ngày sau quy chế đấu thầu đã có. Nhưng đến sáng 6/11/2022 lại thấy báo thanhnien.vn đưa tin:

“Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các địa phương.

Nói về tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh “nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên” (https://thanhnien.vn/thu-tuong-neu-ai-khong-dam-lam-thi…).

Lôi xuống mà còn bấu víu giữ cho bằng được ghế. Huống chi không kèm theo chế tài mà chỉ kêu gọi tự nguyên “đứng sang một bên” thì sẽ không hiệu quả.

Ở mặt khác, tài sản không phải của mình, mua được rẻ cũng không được thưởng, nhập phải đắt thì bị buộc tội, nên sẽ không ai sốt sắng. Chưa nói đến bị cám dỗ, sơ sẩy thì khó tránh được vòng lao lý. Kẻ sĩ thời này không có. Nên cơ chế đấu thầu nào đề xuất ra cũng có lỗ hổng.

Đến bao giờ mới mới nhập được thuốc đúng giá để chữa trị cho người bệnh?

  1. VÀ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA

Theo quy định hiện hành thì chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia (HĐYKQG) do Thủ tướng quyết định. Và theo thông lệ từ trước đến nay thì Bộ trưởng Bộ Y tế luôn kiêm vị trí Chủ tịch HĐYKQG.

Ngày 15/1/2021, PTT Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐYKQG cho Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (https://moh.gov.vn/…/pho-thu-tuong-trao-quyet-inh-thanh…).

Ông Nguyễn Thanh Long không chắc là nhà khoa học giỏi. Vì năng lực khoa học của ông đã bộc lộ trong quá trình chống đại dịch covid. Nhưng dầu sao thì ông Long vẫn là nhà chuyên môn trong lĩnh vực Y học với học hàm học vị giáo sư tiến sĩ.

Bà Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan không có chuyên môn về Y học. Theo một số người thì lãnh đạo là chính khách, không cần chuyên môn. Nhưng chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia không thể giao cho một người không biết về Y học.

Nếu Chính phủ cứ kiên trì dựa vào vị trí uỷ viên trung ương Đảng là tiêu chí quyết định để bổ nhiệm bộ trưởng, thì cũng nên dũng cảm tách chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia ra khỏi ghế bộ trưởng. Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia là nhà khoa học giỏi, không nhất thiết phải có chức vụ cao, không yêu cầu là đảng viên. Điều này đúng không chỉ cho Bộ Y tế, mà còn cho cả Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Có một Hội đồng Y khoa Quốc gia mạnh với một vị Chủ tịch xứng tầm thì kết quả chống dịch covid đã khác. Và việc mua thuốc men cùng trang thiết bị y tế đã không phải để cho Thủ tướng phải nhắc đi nhắc lại.

Bài viết không nhằm vào cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế, mà trái lại, là đề xuất cho Bộ trưởng Bộ Y tế có thêm “một cánh tay phải mạnh” gồm các nhà chuyên môn thông tuệ trong ‘Hội đồng Y khoa Quốc gia’, chứ không chỉ lệ thuộc vào các thứ trưởng và trợ lý.

Bộ trưởng giỏi thì Chính phủ mạnh, Thủ tướng khoẻ. Bộ trưởng yếu thì Chính phủ yếu, Thủ tướng mệt. Bài viết cũng là một gợi ý để Thủ tướng đỡ mệt. Nhưng trước hết là vì dân. Vì hàng vạn người bệnh chưa có thuốc chữa trị. Vì các đại dịch trong tương lai đang sắp đến./.

- Quảng Cáo -