Khi con tàu chở 999 chiếc xe điện F8 của VinFast khởi hành sang Mỹ cũng là lúc sóng gió nổi lên không phải ngoài đại dương mà từ báo chí, cộng đồng Việt Mỹ có quan tâm theo dõi việc hãng xe Phạm Nhật Vượng chính thức có mặt, tham gia vào thị trường auto lớn nhất thế giới: Hoa Kỳ.
PR ngớ ngẩn
Để chuẩn bị phần tài chánh, trước đó vài tháng VinGroup đã chủ động tách riêng một phần của tập đoàn này “lánh nạn” tại Singapore bằng cách chuyển toàn bộ phần vốn góp trong Công ty VinFast cho Công ty VinFast Trading & Investment nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt IPO (Initial Public Offering) chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo hồ sơ tài chánh công bố để duyêt xét IPO, trong hai năm liên tiếp, VinFast lỗ gần $3 tỷ. Năm 2021 thì tiêu hết $1,4 tỷ, năm 2022 lỗ $1,5 tỷ, tính đến cuối Tháng Chín. Mức độ lỗ này bị nhà đầu tư nhìn ra: Nếu đà làm ăn cứ mỗi năm đốt hết hơn $1 tỷ thì làm cách nào VinFast có tiền mà điều hành?
Nước Mỹ không phải là Việt Nam, nơi ông Vượng toàn quyền “khống chế” thông tin và vì vậy khó mà thuyết phục được nhà đầu tư khi VinFast như một cậu bé chưa hết bậc trung học, lại cầm đơn xin việc tại NASA. Kinh nghiệm, thời gian sản phẩm được thị trường chấp nhận, giá thành sản phẩm, sự an toàn cũng như độ bền của chiếc xe không ai nắm rõ, vậy thì bằng cách nào VinFast có thể thuyết phục nhà đầu tư tham gia vào cổ phiếu của nó?
Năm ngoái tờ Triangle Business Journal, trích dẫn nhiều nguồn tin nói rằng VinFast sẽ đầu tư cho nhà máy ở North Carolina lên đến $7 tỷ với 13.000 công nhân để lắp ráp xe cho hãng này. Nếu một công ty nào khác trên thế giới có quyết định này sẽ được xem là hợp lý, nhưng đối với VinFast thành lập một nhà máy tại Mỹ là điều khiến người ta phải đánh dấu hỏi.
VinFast chỉ là một chiếc xe lắp ráp từ các hãng xe của Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… thì tại sao không lập nhà máy tại Việt Nam cho rẻ mà phải sang tới Mỹ với giá công nhân đắt gấp 10 lần!
Câu trả lời:
Để quảng cáo và tìm cổ phiếu của nhà đầu tư. Hơn thế nữa, thành lập nhà máy tại Mỹ có thể bán Visa H2B cho nhân công Việt Nam sang làm việc, mỗi chiếc Visa này có thể bán với giá nhiều ngàn đôla qua danh nghĩa lệ phí thành lập hồ sơ. Hàng loạt công nhân sang Mỹ làm việc, rồi về lại Việt Nam, sẽ tạo ra hàng triệu đôla cho VinFast mà chưa cần bán chiếc xe nào.
Trước khi chiếc tàu chở 999 chiếc xe khởi hành, nhóm PR cho VinFast tung hô trên báo chí không giới hạn, kể cả những tiêu đề ngớ ngẩn cũng đựợc những tờ báo “lớn” của Việt Nam không ngại đăng lên, nào là: “VinFast làm cho Tesla phải tính lại kế hoạch của mình”, rồi thì “Vượt qua biển lớn, VinFast thách thức những ông lớn trong ngành xe hơi thế giới”…
Chưa hết, nhóm PR cho VinFast ở Mỹ sẵn lòng thuê các kênh thông tin đỏ để làm những phóng sự giúp cho Việt Kiều ở Mỹ hiểu thêm về mức độ lừa của ông Phạm Nhật Vượng. Thứ nhất chạy tít: Bà Emylee Thai, sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Artemis DNA đặt mua 100 chiếc VinFast cho nhân viên.
Hơn một tháng sau, bà này bị truy tố về tội lừa đảo bảo hiểm y tế. Thứ hai, cho TV Bolsa phỏng vấn ông Triệu Trung Thành, một người bán bảo hiểm tại San Diego, California. Ông Thành nói rằng đã đặt mua 60 xe VF8 không phải để cho thuê mà để cho bạn bè tại Mỹ chạy trải nghiệm, những ai chưa biết đến sẽ được chạy thử xe.
Sự gian trá trong bài phỏng vấn này làm người Việt ở Mỹ khinh bỉ hơn là tức giận bởi ai cũng biết một đại lý bán bảo hiểm làm sao có tiền để chơi sang như ông này nói, ngoại trừ ông ta được mớm lời và cả tiền tip để phát biểu những câu nói được VinFast cài cắm trong đầu.
Thảm họa khi mang chuông đi đánh xứ người
Trước khi con tàu cập bến, VinFast đã tiêu hàng triệu đôla, thuê các nhà báo chuyên viết về đề tài auto của Mỹ sang Việt Nam để chạy thử những chiếc xe mà VinFast sẽ xuất sang Mỹ. Các nhà báo của Bloomberg, Jalopnik cùng viết lại những bài phóng sự mà họ vừa trải qua, tất cả đều là những chỉ trích tận tình những sai sót của tập đoàn VinGroup, công ty mẹ của VinFast trong cách mà tập đoàn này đối phó với những ký giả được mời tới.
Tới thăm nhà máy sản xuất của VinFast dĩ nhiên phải thực hiện trước nhưng khi xe chở ký giả tới nhà máy thì rất vắng vẻ, hoạt động cầm chừng, lý do là công nhân đi ăn trưa lúc 10h sáng!
Kevin Williams trong bài viết “The VinFast VF8 Is Simply Not Ready for America” thẳng thừng chỉ trích:
“Tôi không bay nửa vòng trái đất để tham quan trường đại học. VinFast đã dành hàng giờ để giải trí cho chúng tôi, bao gồm cả màn trình diễn kịch câm trong bữa tối, có cả một tòa lâu đài vẽ trên bản đồ được tuyên bố là có giá hàng triệu đôla nhưng giống hệt công nghệ sử dụng trong các dự án nghệ thuật của sinh viên tại các trường đại học ở khắp mọi nơi, và chúng tôi vẫn chưa được lái chiếc xe nào. Không phải là tôi không đánh giá cao sự tiếp đãi của chủ nhà. Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem những chiếc xe đó có tốt không. Nếu hỏi tôi có muốn lái thử một chiếc VinFast VF8 không, thì câu trả lời là: Không! Những chiếc xe này không tốt chút nào. Tôi quyết định lái biến thể VF8 khác, mẫu Plus, được cho là có công suất 402 mã lực. Nó cũng chậm như rùa, với chất lượng xe tệ hại.”
Trong bài viết có tựa: “Vietnam’s Tesla Hopeful Has Lofty Goals. Here’s an Inside Look”, ký giả Katrina Nicholas của tờ Bloomberg viết:
“Liệu VinFast có thể hoàn tất 65.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu theo như họ nói và tiếp tục bán được 750.000 xe mỗi năm vào năm 2026 không? Vẫn chưa rõ ràng. Tesla đã mất 18 năm để vượt qua mức đó lần đầu. Rồi ý kiến cho rằng (Phạm Nhật) Vượng, là người giàu nhất Việt Nam với tài sản khoảng $5 tỷ sẽ dễ dàng qua mặt tay Elon Musk ma mãnh, cũng xem chừng khó mà xảy ra. Chuyến thăm hãng xe được dàn dựng kỹ càng, có ấn tượng, nhưng cần được thấy nhiều hơn nữa trước khi tin rằng điều gì sẽ là những kỳ tích đáng kinh ngạc.”
Kevin Williams còn “búa” thêm: “Lái thử hết chiếc VF8 này đến chiếc VF8 khác xung quanh hòn đảo tư nhân của VinFast, trải nghiệm của tôi giống hệt như những gì tôi đã thấy khi những người của VinFast bám đuôi chúng tôi đi loanh quanh miền Bắc Việt Nam. Ngay cả trên những con đường phẳng lì như kính ở khu nghỉ mát trên đảo, chiếc VF8 vẫn lắc lư và nhảy tưng lên như thể chiếc xe đang chạy trên lò xo. Hệ cơ cấu lái (steering) thì chết ngắc và phi tuyến tính (nonlinear), kết hợp với lốp xe mất độ bám khi ôm cua dù chỉ một chút.”
Mang chuông đi đánh xứ người, lại bị cái xứ người đánh cho tắt bếp thì khác nào thảm họa. Tàu chưa cập bến mà trong bờ có mùi khói lửa rồi thì buôn bán nỗi gì? Ông Vượng và nhóm PR cho VinFast đã sai lầm khi đánh giá nước Mỹ, từ Việt kiều bình thường cho tới những tay ký giả chuyên viết review cho sản phẩm.
Người Việt ở Mỹ xem chiếc xe là phương tiện di chuyển nên khi mua xe họ rất chăm chú những yếu tố thiết yếu chứ không hề có tinh thần “dân tộc” nào trong sản phẩm. Cái mà người mua xe điện cần là cục charge hay trạm charge cho chiếc xe của họ đủ năng lượng cho một chuyến đi, ít nhất 250 dặm.
Thứ đến là giá cả hợp lý, thường thì phải rẻ hơn những dòng xe cùng chủng loại đang có mặt trên thị trường. Hậu mãi và phụ tùng thay thế cũng là yếu tố quan trọng nếu một người mua xe có kiến thức về vận hành. Rồi bảo hiểm, thủ tục trả góp… cũng khiến cho một cuộc mua bán kéo dài cả ngày thì mới có thể mang chiếc xe mới toanh về nhà.
Tất cả những yếu tố quan trọng ấy không thấy VinFast cập nhật cho những chiếc F8 đầu tiên, có lẽ thói quen khi bán xe tại Việt Nam đã ăn mòn tư duy của những người lên kế hoạch. Một chiếc xe khi bán ra ở Mỹ khác hẳn khi bán tại Việt Nam. Ở Mỹ người ta sẽ mang xe lại dealer trả lại cho hãng vì lý do nào đó trong vòng một tháng. Nếu có chi tiết sai sót, chính phủ Liên bang có khả năng yêu cầu recall cho cái chi tiết đó, mà mỗi lần như vậy công ty phải hoàn toàn trách nhiệm chứ không thể chạy làng như tại Việt Nam.
Hơn thế, ở Việt Nam thì VinFast có thể gọi công an hù dọa thậm chí bắt bớ người khiếu nại chiếc xe, nhưng khi ở Mỹ việc đó hoàn toàn không thể xảy ra như phát ngôn nhân của ông Vượng từng tuyên bố rằng, sang Mỹ ông cũng sẽ làm y như thế nếu ai đó nói “xấu” công ty ông.
Ra biển lớn là ước ao của người Việt nhưng ra đó rồi không tìm được đường về nhà thì thà nằm trong ao để vĩnh viễn mơ mộng còn hơn.
Hành động quá vội vã, gần như chạy đua với thời gian để bằng mọi cách mang cho được VinFast sang Mỹ đang là câu hỏi rất lớn cho giới quan sát chính trị, kinh tế. Tập đoàn VinGroup không thể là Vạn Thịnh Phát nên không cần phải tẩu tán vốn ra nước ngoài.
VinGroup cũng không hề giống FLC khi gian lận cổ phiếu, vậy thì lý do gì mà một công ty dày dạn như VinGroup lại vướng vào vết của xe điện Trung Quốc trước đây?